Chúng tôi lên Eo Bù - Chút Mút vào một chiều cuối thu. Rừng núi đã hả hê sau một trận mưa lớn từ đêm hôm qua, để lại con đường lầy lội với những khe nước ngầm nhấp nhô đá cuội. Cùng đi với chúng tôi có cô giáo Phan Thị Dược - Hiệu trưởng, cô Hồ Thị Phượng - P. Hiệu trưởng trường MN Lâm Thủy cùng hai đồng nghiệp của mình. Lên với Eo Bù - Chút Mút lần này, chúng tôi muốn “xem” công trình điểm trường MN đang khởi công và muốn “nghe” chuyện về người Vân Kiều hiến đất để xây trường.
ĐƯỜNG LÊN EO BÙ HÔM NAY

Đến tận
bây giờ, khi đã ngồi rất yên tĩnh trong căn phòng nội trú kiên cố, thế nhưng cái
cảm giác rờn rợn khi qua những đoạn đường lầy lội, những con khe nước chảy xiết
với đá và đá vẫn còn lởn vởn trong tâm trí. Chiếc xe máy không còn là “Giấc mơ”
(Dream) nữa, nó trở thành một “con ngựa sắt” khá thủy chung cùng vượt thác trèo
đèo để càng tiến gần hơn với nơi chúng tôi cần đến. Qua rất nhiều đồng nghiệp
đã từng công tác ở đây kể lại, và trực tiếp nhất là qua lời cô giáo Phan Thị
Dược thì đường đi như bây giờ đã là “ngon” lắm! Cách đây chừng hai năm về trước,
khi công trình đường 16 (Dự án cải tạo, nâng cấp đường 565 (tức
đường 16 cũ) mới đây có tổng chiều dài toàn tuyến là 72 km từ ngã
ba Cam Liên đến biên giới Việt - Lào, với tổng mức đầu tư trên 894 tỉ
đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ) chưa khởi công,
muốn vào Eo Bù - Chút Mút phải qua nhiều công
đoạn: đi xe máy, gửi lại xe, trèo đèo, lội suối ròng rã mấy tiếng đồng hồ... Người dân
bình thường đi lại đã khó, thầy cô giáo vào dạy học, sự đi lại ấy lại càng khó
khăn hơn với những sách vở, giáo án, với “cơm đùm gạo bới”, với tư trang hành
lí... trên lưng. Nghe cô Dược kể, tôi liên tưởng chân dung người giáo viên
trong hoàn cảnh đó có chút gì giống với hình ảnh người giao liên Trường Sơn năm
xưa, khi: “Tuổi thanh xuân đến với núi rừng/ Dù mưa rơi bão giông nắng lửa/ Vượt
hiểm nguy em băng băng qua...”.
Trở lại
với con đường vất vả ngày trước với con đường đang khởi công hôm nay, chúng tôi
lòng thấy tự hào phấn khởi. Phần là thầy cô, bà con đỡ vất vả, phần là con
đường đã nối những miền vui với vùng biên cương. Đó là con đường của lòng dân ý
Đảng, con đường của ấm no, sung túc. Với tiến độ xây dựng này, trong tương lai
không xa nữa, người vào ra Eo Bù sẽ chẳng phải ướt chân bẩn áo, người Vân Kiều
ở nơi đây sẽ có cơ hội giao lưu rộng rãi hơn với các vùng miền khác, để chúng
ta thấy Eo Bù - Chút Mút không còn xa xôi nữa!
NGÔI TRƯỜNG MỚI
ĐANG XÂY
Trên
khuôn viên thoáng đãng và khá rộng rãi ở bản Eo Bù là điểm trường của chung cả
hai trường MN và PTDTBT Lâm Thủy. Chẳng có sự khác biệt nào so với các điểm
trường ở bất cứ nơi đâu về công tác dạy, học của thầy trò nơi đây cả. Nhưng,
đúng vào ngày khai giảng năm học mới năm nay, tin rất vui đến với cô cháu
trường MN Lâm Thủy, đó là hai điểm trường Eo Bù - Chút Mút và điểm Bạch Đàn sẽ
có hai ngôi trường mới do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 79 (Binh đoàn 15) tài trợ
theo hình thức “chìa khóa trao tay”.

Cô Phan
Thị Dược vui vẻ (mặc dù đã trải qua một chặng đường dài vất vả) giới thiệu cho
chúng tôi về ngôi trường mới đang thi công với tiến độ rất tốt. Theo đó, trường
sẽ có 02 phòng học, 01 bếp ăn bán trú, 02 phòng ngủ cho trẻ với công trình vệ
sinh khép kín và vòm che rộng 6m dùng làm sân chơi cho trẻ... với tổng kinh phí
là 1.6 tỉ đồng do Công ty xây dựng Xuân Hòa (xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy) thi
công. Tại bản Bạch Đàn cũng đồng thời xây dựng ngôi trường mới với chung một bản
thiết kế, mẫu mã. Như vậy, trong vòng một vài tháng nữa, cô cháu MN điểm trường
Eo Bù - Chút Mút và Bạch Đàn sẽ có trường lớp mới khang trang sạch đẹp, khép
lại một thời kì khó khăn, vất vả. Cô Phan Thị Dược cho biết sau khi công trình
hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhà trường sẽ mạnh dạn đưa bếp ăn bán trú vào
hoạt động, thể theo nguyện vọng của bà con dân bản. Muốn làm được điều này, rất
cần sự chung sức chung lòng của các cấp các ngành, sự hỗ trợ thêm về CSVC, về
con người...
Được
biết năm học này, điểm trường có 13 cháu ở cả 3 độ tuổi (3,4,5 tuổi) học chung
một lớp, trong đó có 7 cháu đến từ rất xa, mùa mưa lũ không thể đến trường, tình
trạng này có khi kéo dài cả tuần lễ, ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy, học. Nếu
ăn bán trú, khó khăn này sẽ được chấm dứt, cô yên tâm công tác, cháu yên tâm
học tập, phụ huynh yên tâm lên rẫy, trọn vẹn cả... ba đường!
Cô Lê
Thị Lộc, giáo viên được phân công vào giảng dạy tại đây năm học này, phấn chấn:
“Em vui lắm các anh à! Nhưng vui nhất là phụ huynh và học sinh ở đây, thường
ngày họ vẫn lui tới giúp đỡ chúng em khi gánh nước, khi nắm rau rừng. Kể từ
ngày trường xây dựng, hôm nào họ cũng đến xem có việc gì cần thì họ sẵn lòng
giúp đỡ”. Thông tin này không mới, việc làm này không hiếm gặp, nhưng qua ánh
mắt phơi phới niềm tin và hạnh phúc của cô Lộc, chúng tôi biết tình nghĩa của
người Vân Kiều nơi miền biên cương này là rất lớn. Họ còn sẵn sàng hiến cả hàng
trăm, hàng ngàn mét vuông đất để xây trường lớp cho con cháu mình có chỗ học
hành tử tế, nghĩa là khi lòng dân đã thuận, sẽ chẳng có gì là không thể vượt
qua!
“CON ĐƯỢC CHỮ LÀ
DÂN NHỜ”
Đó là
câu mà trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Mưa, 60 tuổi, người đã
hiến hàng trăm mét vuông đất để xây trường cứ nhắc đi nhắc lại. Bởi theo ông,
hiến đất không có nghĩa là mất đất mà hiến đất là hiến cho con cho cháu để con
cháu mình có được cái chữ Bác Hồ.
Nhà ông
Hồ Mưa ở ngay trước cổng trường, thời điểm chúng tôi sang thăm ông cũng là lúc
ông mới đi làm lễ cúng cơm về. Ông vồn vã mời chúng tôi lên nhà, trải chiếu,
rót nước, mời thuốc,... như một người bình thường - nghĩa là nếu mới tiếp xúc
lần đầu, nhiều người tưởng rằng mắt ông vẫn còn sáng. Ấn tượng đầu tiên khi
bước chân lên sàn nhà là gia đình ông có khá nhiều lúa mới, ông bảo là lúa trên
rẫy mới gặt về. Trời mưa nên phải phơi tạm trên sàn thế này. Rồi ông bắt đầu nói
về chuyện ông hiến đất, chuyện làng chuyện bản...
Thì ra
lần hiến đất này là lần thứ hai của ông Hồ Mưa. Ông Mưa nhớ lại: “Năm 2004, khi
xây dựng điểm trường hiện có như bây giờ, tôi đã hiến cho nhà nước 300m2
đất mà không đòi hỏi chi hết. Lần này, biết Binh đoàn 15 lên đây xây trường cho
các cháu, khi nghe các anh các chú hỏi xin, tôi đồng ý cho ngay, không tính
toán”. Rồi ông say sưa kể về cuộc đời ông từ những ngày ông còn tham gia phục
vụ kháng chiến, giúp bộ đội băng rừng vượt suối... Là một người dân ơn Đảng, ông
luôn ghi nhớ lời của Bác Hồ khuyên răn bà con phải
phấn đấu đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Người đủ ăn phải giúp đỡ
người khó khăn để cùng nhau vươn lên…”. Vì vậy, ông hơi bất ngờ khi có người (chúng tôi) tới chỉ để hỏi những
chuyện “bình thường” ấy! Thì ra trong suy nghĩ thật thà chất phác của ông, hiến
đất xây trường là để con cháu có chữ, mà con cháu có nhiều chữ thì sau này sẽ làm
bộ đội, làm giáo viên phục vụ bản làng, ấy là dân bản mình nhờ, cái lí luận đơn
giản nhưng rất thực tế của ông Hồ Mưa khiến chúng tôi có đôi chút ngỡ ngàng. Không
chỉ có hiến đất, ông còn trèo non lội suối hàng cây số, tìm nguồn nước mát dẫn
về cho cả bản, cho thầy cô dùng. Ông kể: “Bố bỏ tiền trong túi của mình ra để
mua ống mua dây về bắt nước đó chứ! Không có nước, thầy cô bên đó vất vả lắm
mà...”.
Chia
tay ông với một tấm hình làm kỉ niệm, chúng tôi cứ băn khoăn tự vấn: một con
người tật nguyền không nhìn thấy ánh sáng, một người dân lao động bình thường ở
tận nơi thâm sơn cùng cốc như ông Hồ Mưa lại có những suy nghĩ và việc làm hết
sức “sáng”, mang đậm tính nhân văn sâu sắc như vậy, há chẳng phải là vì lòng người
dân ở đây đã hợp với ý Đảng hay sao?!
Chúng
tôi được biết, ở bản Bạch Đàn, khi xây dựng điểm trường mới, anh Hồ Dự (sinh năm 1979) cũng đã hiến gần
200m2 đất, rồi ở bản Trung Đoàn, ông Hồ Văn Thiết, Hồ Văn Đình cũng
đã hiến hàng ngàn mét vuông để xây dựng công trình nhà văn hóa, trạm quân dân y
kết hợp nằm trong chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do báo Sài Gòn Giải
phóng kết hợp Tổng công ty bia rượu, NGK Sài Gòn Sabeco thực hiện vào năm ngoái
2012... Vậy là bất cứ việc gì, không kể ở nơi đâu, khi lòng dân đã thuận, họ
sẵn sàng chung sức chung lòng, góp công góp của để dựng xây nên những công
trình phục vụ cho lợi ích chung cho cộng đồng. Việc làm ấy, suy nghĩ ấy đáng
được biểu dương, noi gương và trân trọng.
CHUYỆN DỌC ĐƯỜNG
VỀ
Rời Eo
Bù khi trời đã chiều già, chúng tôi mang theo nhiều cảm xúc trong một chiều lác
đác mưa thu. Xe đi được một quãng ngắn thì bắt đầu giở chứng. Một sự cố hết sức
nguy hiểm: xe đứt xích. Cũng may mà đi chậm, nếu không hậu quả sẽ khó lường. Và
may mắn cho chúng tôi hơn nữa là gặp được “thợ” ở ngay chỗ xe bị hỏng giữa một
nơi hoang vắng thiếu bóng người. Anh Hoàng Loan không phải là thợ sửa xe nhưng
anh có thể sửa chữa được khá tốt. Bỏ tạm chén rượu đang uống dở với mấy anh em
sau một ngày lao động vất vả, anh Loan bảo vợ đi mượn đồ nghề và bắt đầu công
việc “bất đắc dĩ” này. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi lại có cơ hội được biết thêm
nhiều chuyện về cuộc sống cũng như tình hình học hành của con cháu họ tại bản
Eo Bù - Chút Mút này. Anh Hồ Minh, năm nay mới 45 tuổi nhưng các con anh ai
cũng đã nên gia thất, cháu ngoại của anh hiện đang học mẫu giáo và anh là người
chịu trách nhiệm đưa đón cháu ngoại đi học hàng ngày. Anh Hoàng Loan với vợ là
chị Hoàng Thị Nhân cũng có con học lớp 1 rất ngoan và biết nghe lời. Các anh tâm sự: “Mình phải cố gắng chở con đi học
kẻo tội nó và tội cả cô thầy vì nếu mình không chở thì thầy cô phải đến chở,
mất thời gian lắm. Thầy cô ở đây vất vả rồi, bà con dân bản phải giúp đỡ thêm
thôi...”.

Câu
chuyện đang nồng nàn thì anh Loan đã rửa tay xong và bước lên sàn. Chúng tôi
rất cảm động trước tấm lòng của các anh, của bà con ở đây. Tiền thì anh nhất
quyết không lấy, quán xá lại không có nên chẳng biết lấy gì để trả ơn anh và
gia đình, chúng tôi đành hứa rằng sẽ đưa tên họ vào bài viết này như một lời
cám ơn chân thành. Hẹn gặp lại các anh, hẹn gặp lại Eo Bù - Chút Mút khi khánh
thành công trình cửa khẩu Chút Mút - Lả Vơn trong một tương lai không xa!
Bảo Châu