Thành công từ mô hình khảo nghiệm trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của gia đình chị Dương Thị Vinh ở Thôn 1, Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy đang mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương.
Ít ai dám nghĩ, trên miền đất cát phía
Đông của huyện Lệ Thủy đầy nắng gió, khô cằn này, có thể trồng cây gì tươi tốt
được, vậy mà chị Dương Thị Vinh, một thành viên thuộc HTX Nông nghiệp công nghệ
cao Kiến Giang đã mạnh dạn đầu tư gần 650 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng
dưa lưới trong nhà màng đầu tiên ở huyện Lệ Thủy. Chị Vinh chia sẻ: “Biết được
nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch và chất lượng cao trên thị trường hiện nay đang
rất lớn, tôi chọn dưa lưới là điểm khởi đầu trong mô hình sản xuất nông nghiệp
theo hướng hiện đại của gia đình tôi”.

Vườn dưa lưới vụ đầu tiên của chị Dương Thị Vinh trồng
hơn 6.600 gốc dưa trong hệ thống 6 nhà màng với tổng diện tích 3.000m2.
Giống dưa lưới chị chọn là giống dưa nhập khẩu từ Malaysia, Nhật Bản và Israel.
Việc trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công
nghệ cao giúp dưa cách ly với côn trùng gây bệnh, hay ứng phó trước thời tiết
thay đổi thất thường. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt kỹ thuật cao được đầu tư theo
công nghệ Israel, dẫn đến tận gốc theo đúng mức
độ yêu cầu và hoàn toàn tự động nên tiết kiệm được chi phí và công sức lao
động.
Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, vụ
dưa đầu tiên đang bước vào thu hoạch. Trung bình một nhà màng cho 1 tấn dưa,
mỗi quả nặng từ 1,2-1,8kg. Với giá bán ra 45.000đ/kg, vườn dưa cho thu nhập
trên 270 triệu đồng, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho gia đình chị.
Do được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, không
sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học tự tạo
nên vườn dưa cho năng suất cao, đảm bảo an toàn về chất lượng và không lo đầu
ra. Thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, chủ yếu là trong tỉnh và TP Hà Nội. Vừa
qua, mô hình dưa lưới của gia đình chị Vinh được kiểm định và cấp giấy chứng
nhận Sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn Viet-Gap. Đây là điểm khởi đầu vững chắc để
chị Vinh mạnh dạn hơn nữa trong việc khai thác triệt để nguồn quỹ đất dồi dào ở
địa phương bằng nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hiện đại. Dưa lưới là loại
giống rau ăn quả ngắn ngày, một năm có thể trồng được 2-3 vụ, nên với thu nhập từ
vụ đầu tiên mang lại, chị Vinh tin tưởng chỉ 1-2 năm sau đã có thể thu hồi vốn
và cho lãi cao. Chị cho biết, sắp tới gia đình chị sẽ mở rộng hệ thống nhà màng
lên 10 nhà, nâng tổng diện tích lên 5.000m2 nhằm tăng năng suất, thu
nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mô hình khảo nghiệm dưa lưới của chị Dương Thị Vinh
bước đầu thành công không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn
giải quyết việc làm cho một số lao động nơi đây. Đây là mô hình khảo
nghiệm dưa lưới đầu tiên ở Lệ Thủy đã ứng dụng công
nghệ cao vào sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch bệnh và an toàn thực
phẩm, mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững
ở địa phương.
Hoài Thu
Đài TT – TH Lệ Thủy