Quảng Cư là một địa danh ở trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy - Quảng Bình, con người nơi đây có nhiều cái nổi tiếng như nổi tiếng bởi nghề mộc; nổi tiếng học giỏi môn văn; nổi tiếng là nơi "Nói trẹp" có bài bản gây niềm vui cho thiên hạ...nhưng nổi tiếng nhất và đến độ khẳng định "Thương hiệu Quảng Cư" có lẻ là nhờ tài "Nói trẹp" và ứng xử nhanh trước mọi tình huống.
Có thể dẫn ra một số trong vô vàn
kiểu "Nói trẹp" của người Quảng Cư để mọi người cùng tham khảo: Tuấn
mới hơn 14 tuổi có bà mẹ ốm nặng phải đi Bệnh viện, Cậu Linh là cậu ruột của
Tuấn qua thăm khi bà mẹ đã đi viện liền hỏi: "Mẹ cháu đau nặng hay nhẹ?" - Với hàm ý trách cậu đến thăm
chậm, Tuấn đáp ngay: "Vì cậu không
bảo trước nên cháu quên cân mẹ trước khi đưa đi viện nên không biết";
Mùa lễ hội bơi đua thuyền truyền thống mừng Tết độc lập, ở Quảng Cư đò thua
cũng vui mà thắng cũng vui sau mùa bơi cả tháng. Năm ấy, đò bơi Quảng Cư về
nhất, trong buổi liên hoan tổng kết một cụ gì nói tỉnh bơ với mọi người: "Mấy hôm nay Công an huyện ai cũng giảm
đi mấy cân!" - Mọi người hỏi: "Vì
răng rứa?", cụ già bình thản:
"Thì điều tra đò Quảng Cư xem có lắp máy đẩy không chơ răng nữa"
mọi người hiểu ra cười nghiêng ngã. Đò thua,người Quảng Cư cũng có cách nói hóm
hỉnh: "Vì năm nay mất mùa, dân khó
khăn nên mới thua đó chơ" - Có người chưa hiểu: "Mất mùa thì có gì liên quan đến thắng hay thua trong bơi
đua" - Người nói thủng thẳng: "Thì
bơi cho nhanh để rồi vi phạm tốc độ Công an bắt lấy đâu mà nộp phạt" -
lại một trận cười không ngớt. Trong giờ đi thể dục buổi sáng, bà Lan hỏi
chuyện: "Chơ, bữa ni ai mần chức to
nhất huyện miềng hè?" - Ông Kiền nhanh nhảu: "Thì thằng Hải chơ ai hơn nữa", bà Lan cãi liền: "Thằng Hải chỉ là thợ cắt tóc chơ mần
chi mà to nhất?" - Ông Kiền liền đáp: "Không biết răng chơ tui chộ hắn xoa trôốc mấy ông to ở huyện,
tỉnh mãi". Anh Hải là thợ cắt tóc trong làng, quán không lớn nhưng vì
tỉnh cẩn thận, vui chuyện nên khách rất đông, hôm nọ có ông khách giục anh Hải
cắt nhanh cho ông đi có việc, anh Hải nhỏ nhẹ: "Ấy chết, em cắt chậm lắm, hay bác để đầu lại đó mai tới lấy, em
hứa không sai hẹn mô!", người khách đành cười xí xóa và ngồi yên cho
anh Hải cắt tiếp. Lần ấy họp làng kêu gọi bà con nộp tiền làm đường bê tông, ai
cũng nhất trí duy chỉ có anh Tình là nói không nộp, mọi người phân tích mãi anh
vẫn kiên quyết không nhất trí, chú Minh gơ tay xin có ý kiến: "Theo tôi, anh Tình không nộp tiền là
hoàn toàn đúng" - cuộc họp phản đối khó chịu, chú Minh nói tiếp: "Thì anh ấy thường xuyên say rượu, toàn
đi nghiêng trong bụi chứ có đi giữa
đường đâu mà bắt chú ấy nộp tiền làm đường" - Mọi người cười nghiêng
ngã, sau ý kiến đó nghe đâu sáng sớm mai anh Tình mang tiền đến nộp đầu tiên
trong làng. Một lần tình cờ tôi đi ngang một nhóm học sinh lớp 6, 7 gì đó nghe
một cậu học sinh đố cả nhóm: "Có một bà đi chợ mua 5 lạng thịt, 7 con cá
rô, 6 ngàn rau thơm - Hỏi bà nớ mấy tuổi?" nếu trả lời được thì tau cho ăn
ổi thoải mái, không được thì chỉ cần cho tau 3 quả ổi là được - Cả nhóm bàn tán
rôm rả, đưa ra nhiều con số đều bị chú bé lắc đầu, cả nhóm thống nhất chịu và
chấp nhận nghe câu giải và mất 3 quả ổi. Sau khi nhận ổi cậu bé nói ngay: "Bốn lăm tuổi" cả nhóm yêu cầu
giải thích, cậu bé bình tỉnh trả lời: "
Thì bà ấy ở gần nhà tau răng tau khôông biết", cả nhóm tức lắm nhưng
đành chịu.
Cứ cách nói như thế người dân Quảng
Cư có thẻ nói cho mọi người cười nghiêng, cười ngã bất cứ lúc nào, mọi hội nghị
có khi căng thẳng có một người Quảng Cư nói một câu "TRẸP" là không
khí dịu hẳn. "Nói trẹp" cũng là một nét văn hóa của người dân Quảng
Cư cần thiết được tôn trọng và gìn giữ.
Hữu Bình