LỆ THỦY: NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Cập nhật
03/11/2023 09:47
Với mục đích đưa những kiến thức pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân, từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật, thời gian qua, huyện Lệ Thủy thường xuyên đổi mới các hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, là cầu nối giữa hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật để đưa pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng đó, những năm qua, huyện Lệ Thủy đã ban hành hàng chục văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về tuyên truyền PBGDPL; kiện toàn hội đồng phối hợp PBGDPL. Đồng thời, xây dựng nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm của từng xã, thị trấn; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp huyện, cấp xã, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác tuyên truyền PBGDPL...
Hiện nay, huyện Lệ Thủy chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Trung tâm Văn hóa thông tin và truyền thông huyện mở chuyên mục “Pháp luật và đời sống”. Hàng tháng, phát thanh tuyên truyền với nhiều nội dung phong phú, như: Luật Dân sự, Hình sự, Đất đai, Bảo vệ môi trường, Luật Hòa giải ở cơ sở, Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Căn cước công dân, An ninh mạng và các quy định về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia…. Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền xã Ngư Thủy Bắc đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc thi tim hiểu pháp luật, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề pháp luật về giao thông đường bộ; phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm; công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân dân ở cơ sở, nhất là đối với những địa bàn thực hiện các dự án liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật luôn chú trọng triển khai…Bà Trần Thị Ngọc Trâm, HUV, Bí thư Đảng bộ xã Ngư Thủy Bắc cho biết: “Đảng ủy xã đã quan tâm sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật trên địa bàn. Theo đó, đã chỉ đạo UBND xã kiện toàn, cũng cố hội đồng phối hợp phổ biến giáo dụxaxtuyeen truyền pháp luật của xã, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức nhằm nâng cao kỷ năng, nghiệp vụ cho cán bộ. Phối hợp với các đơn vị có liên quan để tuyên truyền các nội dung về pháp luật”.
Cùng với đó, Huyện đã kiện toàn hội đồng phối hợp PBGDPL huyện, xây dựng và bổ sung quy chế hoạt động, nhằm tăng cường vai trò hoạt động của hội đồng phối hợp PBGDPL huyện, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác TTPBGDPL tại địa phương; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học được quan tâm.
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như: tổ chức hội nghị, cuộc họp, hội thi các thôn, bản, khu dân cư, thông qua các quy ước, hương ước phù hợp với thực tế tại địa phương, các văn bản quy phạm pháp luật, các luật đã được người dân tiếp cận dễ dàng hơn, từ đó nâng cao nhận thức cho nhân dân về pháp luật. Đặc biệt, các nội dung tuyên truyền được xây dựng đảm bảo tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tác động trực tiếp tới nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Bà Võ Thị Dương, Người dân thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc chia sẻ: “Thông qua cuộc thi này, bản thân tôi sẽ chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước, ngoài ra tôi sẽ vận động mọi người cũng như người thân trong gia đình thực hiện tốt mọi chủ trưởng, chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước”.
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã được các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp cho từng nhóm đối tượng, địa bàn, cụ thể: Hình thức tuyên truyền cổ động trực quan như băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, phướn, xe tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường trọng điểm, các chốt giao thông phức tạp hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (01/11-31/11); bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19; Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11 hàng năm… Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật. Ông Lê Đức Tâm, Phó Trưởng Công an huyện Lệ Thủy cho biết: “Các lực lượng của công an huyện Lệ Thủy cũng đã triển khai về các cơ sở, tham gia phối hợp với trường học, các cơ quan để giúp cho người dân tiếp cận được các thông tin liên quan đến an ninh trật tự từ đó giúp công tác đấu tranh và phòng ngừa trên địa bàn được tốt hơn”.
Thông qua công tác hòa giải cơ sở, các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ
trong cộng đồng dân cư được giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải thực hiện thường xuyên, liên tục, thời gian qua, huyện Lệ Thủy tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là giữa cơ quan Tư pháp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu nắm chắc đặc điểm, tình hình của từng địa bàn, đối tượng cần được tuyên truyền pháp luật để có nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân để nhân dân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình khắc phục tình trạng bị lợi dụng, bị kích động, lôi kéo; tổ chức thật tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng hương ước, quy ước đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp phong tục tập quán địa phương; Quan tâm xây dựng, củng cố, lựa chọn những người có uy tín, tiêu biểu tham gia các tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố để kịp thời hòa giải những vụ việc mâu thuẫn phát sinh ngay tại địa bàn dân cư, khắc phục tình trạng gửi đơn thư khiếu kiện. Ông Nguyễn Phúc Lương, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lệ Thủy cho biết: “Phát huy thành tích trong những năm qua về công tác hòa giải, hiện nay các tổ hòa giải ở các địa phương đã được cũng cố một cách toàn diện, đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền với mặt trận tổ quốc VN ở cơ sở trên các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Mặt trận huyện tiếp tục triển khai một cách đồng bộ các chương trình sơ kết, tổng kết công tac hòa giải để kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức làm tốt công tác hòa giải trên địa bàn huyện”.
Công tác rà soát, củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn được thực hiện thường xuyên và kịp thời sau khi có sự biến động về nhân sự. Hiện nay Hội đồng phối hợp PBGDPL của huyện gồm 27 thành viên; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở cũng thường xuyên được kiện toàn. Toàn huyện có 11 ông bà báo cáo viên pháp luật; trên 320 tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở; 187 thôn, bản; 216 tổ hòa giải với 1.328 hòa giải viên. Năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, toàn huyện tiếp nhận là 200 vụ việc, trong đó, hoà giải thành 147 vụ việc, hoà giải không thành 50 vụ việc, 03 vụ việc chưa giải quyết xong. Các tranh chấp chủ yếu phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; mâu thuẫn giữa các bên. Ông Lê Thanh Nghị, Trưởng Phòng Tư Pháp huyện Lệ Thủy cho biết: “ Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong thời gian tới đề nghị các cấp ủy đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát định kỳ sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Để từ đó có giải pháp nâng cao để có hiệu quả nâng cao công tác tuyên truyền. Tiếp tục tích cực đổi mới nội dung đa dạng hóa các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của từng nhóm đối tượng, vùng miền, địa bàn, lứa tuổi và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị đảm bảo các chính sách pháp luật mới được tuyên truyền phổ biến đầy đủ, kịp thời đến với các tầng lớp nhân dân. Tăng cường tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên cấp xã và hòa giải viên cơ sở. Từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của đội ngũ này trong công tác tuyên truyền phổ biến GDPL ở từng địa bàn, cơ quan, đơn vị”
Với nhiều biện pháp thiết thực, cùng với sự quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL ở huyện Lệ Thủy đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc, các tranh chấp, mâu thuẫn trong Nhân dân; tăng cường đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật; duy trì, củng cố sự đoàn kết trong Nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương ở địa phương, nêu cao tinh thần sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Hồng Mến - Tấn Hiếu
Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy