TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC LỊCH SỬ ĐẢNG
Cập nhật
03/02/2025 07:50
Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy có nhiều nỗ lực, tích cực tham mưu, chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Với nhiệm vụ trực tiếp tham mưu cho cấp ủy trong quá trình biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn cho các đảng bộ, chi bộ trực thuộc các ban ngành, đoàn thể cấp huyện, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đã tham mưu, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giúp các đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ công tác biên soạn lịch sử Đảng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ thông qua bồi dưỡng công tác tuyên giáo cho hơn 70 học viên; đồng thời, chỉ đạo các xã đã hoàn thành xuất bản giai đoạn 1930 - 1975 xây dựng kế hoạch biên soạn cho giai đoạn tiếp theo. Đối với các xã gặp nhiều khó khăn trong công tác biên soạn như Ngư Thuỷ, Ngân Thuỷ, Kim Thuỷ, Lâm Thuỷ, Ban đã chỉ đạo, hỗ trợ sâu sát trong việc hướng dẫn, cung cấp tư liệu, giới thiệu người viết.
Trong năm 2024, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đã chỉ đạo tiến hành hội thảo và tham gia góp ý lịch sử thị trấn Nông trường Lệ Ninh, giai đoạn 1994 - 2024 và thị trấn Kiến Giang giai đoạn 1986 - 2026. Tổ chức thẩm định bản thảo Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Thuỷ tập II, giai đoạn 1975 - 2025; Lịch sử thị trấn Nông trường Lệ Ninh 1994 -2024; Lịch sử Đảng bộ xã An Thuỷ, giai đoạn 1930 - 2020; thẩm định tập sách “Giáo dục Lệ Thuỷ 75 năm xây dựng và phát triển (1945 - 2020)”; triển khai nghiên cứu, biên soạn tập sách lịch sử Ngành Tuyên giáo huyện Lệ Thuỷ giai đoạn 1930 - 2025… Đến nay, toàn huyện đã có 21/26 xã, thị trấn và 08 ban ngành xuất bản lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống ngành. Ban chỉ đạo, ban biên soạn lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn và các ban ngành trên địa bàn huyện đã có nhiều cố gắng trong việc sưu tầm các tài liệu, nhân chứng lịch sử để biên soạn nhằm phản ánh đảm bảo tính trung thực, khách quan, tính Đảng, tính khoa học của những sự kiện qua từng giai đoạn lịch sử của các ngành, đơn vị. Các ấn phẩm lịch sử đã xuất bản có nội dung, hình thức và chất lượng ngày càng được nâng cao, được trình bày khá hợp lý theo các phân kỳ lịch sử.
Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương được quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Đẩy mạnh giáo dục lịch sử địa phương trong các phiên sinh hoạt chi bộ, trong trường học; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; thông qua các hình thức tham quan, dã ngoại các di tích lịch sử Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Miếu Thành Hoàng, Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, nhà truyền thống huyện; học tập truyền thống lịch sử thông qua các tập sách lịch sử địa phương, các ấn phẩm mang yếu tố lịch sử; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ; thông qua sinh hoạt của các đoàn thể; chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lịch sử Đảng trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn những tồn tại như sau: Một số đơn vị chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức cho việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và xuất bản sách lịch sử truyền thống của đơn vị, của ngành mình. Tổ chức triển khai nghiên cứu, biên soạn một số đơn vị còn thiếu chặt chẽ trong xử lý tài liệu, thông tin và ý kiến tham gia, kết luận tại hội thảo. Chưa kết hợp đầy đủ các phương pháp khoa học trong nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và lưu trữ nên chất lượng nội dung ở một số tập lịch sử đã xuất bản còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn…
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, nhằm tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả việc tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng theo tỉnh thần Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư.
Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các xã, thị trấn, ban ngành, đoàn thể. Thực hiện tốt công tác tư liệu đối với những sự kiện đã và đang diễn ra; tổ chức lưu trữ, quản lý tư liệu; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các tài liệu lịch sử đơn vị, cơ sở.
Thứ ba, coi trọng việc đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, phát huy có hiệu quả các loại hình truyền thông mới để tuyên truyền lịch sử Đảng; tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng gắn với hoạt động tham quan, về nguồn các địa chỉ đỏ. Số hóa các ẩn phẩm lịch sử để thuận lợi cho việc khai thác, nghiên cứu của độc giả. Tiếp tục gắn việc tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu quả các quan điểm sai trái, những luận điệu phản động của các thế lực thù địch.
Thứ tư, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Lịch sử Đảng; đảm bảo kinh phí để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng.
Thứ năm, quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 20- CT/TW, kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Lịch sử Đảng.
TRẦN VIẾT LƯU
UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ