TÍCH CỰC ỨNG DỤNG KHOA HỌC KỸ THUẬT VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Cập nhật 03/02/2025 08:27

            Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất hàng hoá nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng luôn là một nhu cầu khách quan. Thông qua việc ứng dựng các tiến bộ KHKT giúp người sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đồng thời giảm thiểu rủi ro qua đó năng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, năng suất lao động và đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của xã hội.
           Là một huyện thuần nông, sự phát triển của ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của huyện nhà. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân hàng năm 5-5,5%. Ban chấp hành Đảng bộ ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/HU về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Để cụ thể hoá mục tiêu của Nghị quyết và Chương trình hành động, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tham mưu đồng bộ các giải pháp để thực hiện; trong đó, thực hiện các mô hình ứng dụng KHKT và tuyên truyền nhân rộng các mô hình có hiệu quả là một trong những giải pháp trọng tâm. Trong những năm qua, nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của các ban ngành cấp tỉnh, chỉ đạo định hướng của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân và sự chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện, hoạt động ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp của huyện nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những thành tích đáng ghi nhận.
           Trên lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT đã được thực hiện như mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng sen kết hợp nuôi trồng thuỷ sản; mô hình trồng rau, hoa trong nhà màng; mô hình cánh đồng không dấu chân; mô hình ứng dụng công nghệ tưới Israel cho cây ăn quả, cây tiêu... Đến nay, diện tích lúa chất lượng cao trong vụ Đông - Xuân chiếm 51,6%, lúa năng suất cao (bao gồm diện tích lúa cao sản và lúa thuần) chiếm 40%; diện tích lúa chất lượng cao trong vụ Hè - Thu chiếm 80%; có 3.000ha áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI; chuyển đổi sang trồng sen đạt 63,2 ha; có 07 nhà màng, nhà lưới (0,56ha), 750ha ứng dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, 71 ha ứng dụng công nghệ tưới Israel, 69,5 ha áp dụng sản xuất rau an toàn VietGap… Trên lĩnh vực chăn nuôi, công tác thụ tinh nhân tạo bò được đẩy mạnh. Đến nay đàn bò lai có 7.197 con, chiếm 61,12% tổng đàn. Nhiều trang trại đã đưa vào sản xuất các giống lợn, gia cầm nhập ngoại hoặc đưa các đối tượng nuôi mới như hươu, dông, chồn hương vào sản xuất theo hướng hàng hoá. 11 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao gồm 08 trang trại chăn nuôi lợn và 03 trang trại chăn nuôi gia cầm để áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn toàn dịch bệnh; 07 hộ chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ… Trên lĩnh vực thuỷ sản, nhiều giống thủy sản mới, chất lượng được đưa vào sản xuất như tôm càng xanh, lươn, cá chình, cá diếc… các loại máy móc, trang thiết bị hỗ trợ nuôi trồng thủy sản như hệ thống quạt nước, hệ thống sục khí ngày càng phổ biến. Trên địa bàn huyện hiện có 02 cơ sở nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao ở Trang trại cá chình Kim Long (xã Thanh Thủy) và khu nuôi tôm thẻ chân trắng Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (xã Ngư Thủy Bắc). Một số cơ sở đã đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất như hệ thống làm lạnh, máy sấy, máy hút chân không để bảo quản và sơ chế sản phẩm. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, đã trồng được 905 ha rừng gỗ lớn bằng các giống nuôi cấy mô có chất lượng cao, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 850 ha.
           Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp còn có một số mặt còn hạn chế như chưa đồng đều giữa các vùng, quy mô và mức độ tự động hoá còn khá khiêm tốn, chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, một số mô hình có hiệu quả nhưng ứng đụng còn chậm.
           Với những kết quả nhân rộng đã đạt được trên thực tế, những điểm mới trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho thấy nhiều người dân đã nhận thức về giá trị của việc áp dụng KHKT vào sản xuất. Trên góc độ quản lý ngành, có thể nói ứng dụng KHKT không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất, giảm thiểu rủi ro… Để làm tốt hơn việc ứng dụng KHKT vào trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, cần tập trung chú trọng các giải pháp sau:
           Một là, tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư thực hiện các mô hình thử nghiệm các quy trình kỹ thuật mới, giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác tập huấn KHKT để nâng cao chất lượng nguồn lao động nông nghiệp, đồng thời, tuyên truyền nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, các mô hình sản xuất hữu cơ, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP,... đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.
            Hai là, nâng cao vai trò của các cấp uỷ đảng và chính quyền cơ sở trong việc phối hợp quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đề xuất các mô hình sản xuất mới phù hợp với thực tế tại cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân thử nghiệm và áp dụng các tiến bộ KHKT mới.
             Ba là rà soát, bổ sung, kiến nghị ban hành các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, chủ trang trại đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, khuyến khích các cơ sở sơ chế, chế biến phát triển để kích cầu và thúc đẩy nâng cao tiêu chuẩn sản xuất.
LÊ VĂN TÂN
                  HUV, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
 

Tin đã đăng: