QUAN TÂM CHĂM LO PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Cập nhật 03/02/2025 07:55

             Trong thời gian qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cùng với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, công tác dân tộc, chính sách dân tộc được quan tâm, chăm lo và đã đạt được những kết quả quan trọng.
            Vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lệ Thủy có 03 xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy với 24 thôn, bản nằm trên tuyến biên giới Việt - Lào, có chiều dài đường biên gần 31km, có diện tích 878km2 (chiếm trên 62% diện tích toàn huyện); dân số có 2.378 hộ và 9.099 người; trong đó, có 1.605 hộ đồng bào DTTS với 6.243 người (chiếm 3,7% dân số toàn huyện), chủ yếu là người Bru-Vân Kiều. Nhằm bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cấp ủy, chính quyền các cấp đã thường xuyên quan tâm, tranh thủ các nguồn lực đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 để đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, trong đó, tập trung vào hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, cầu dân sinh, nhà văn hóa, trường học... với tổng vốn đầu tư đạt 171 tỷ đồng, trong đó có nhiều công trình mang tính động lực như: Cầu An Bai, cầu Chút Mút, tuyến đường nối Kim - Ngân..., các công trình nước sinh hoạt tập trung... Nhờ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng hoàn thiện đã tạo ra bộ mặt và diện mạo mới. Đến nay, 100% xã có đường ô tô rải nhựa hoặc bê tông đến trung tâm; có 22/24 thôn, bản (91,7%) có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 95%; trên 85% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà bán trú cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế được xây dựng khang trang và có bác sĩ. Tất cả các xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân... tạo nên một diện mạo mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giao thương thuận lợi, phát triển sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ.
            Hỗ trợ phát triển sản xuất được coi là nội dung quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Từ đó, đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ bà con thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học kĩ thuật, cây con giống mới vào sản xuất. Các chương trình, chính sách đã hỗ trợ cho bà con 18,50 tỷ đồng, với trên 1.500 lượt hộ thụ hưởng để hỗ trợ phát triển sản xuất như: Mô hình nếp than, trồng mít Thái, chăn nuôi lợn, bò, nuôi trồng thủy sản... Hàng năm, UBND huyện trích ngân sách bình quân 01 tỷ đồng hỗ trợ giống lúa, ngô, đậu các loại cho bà con. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng chất lượng, có năng suất cao, có khả năng chống chịu tốt, phù hợp với thổ nhưỡng vào canh tác; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tăng nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình trong đó có bà con đồng bào DTTS được xác định là giải pháp quan trọng để quản lý, bảo vệ rừng ngày một tốt hơn, giúp cho bà con ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững. Đến nay, có 1.278 hộ có rừng sản xuất với hơn 9.515ha; có 103 nhóm cộng đồng DTTS và 1.119 hộ nhận khoán hơn 3.600 ha để khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
             Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo. Thực hiện tốt chủ trương xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho đồng bào dân tộc ổn định cuộc sống được triển khai thực hiện có hiệu quả và đã vận động xây dựng mới được 214 ngôi nhà, sửa chữa 72 ngôi nhà với tổng số tiền hỗ trợ trên 10 tỷ đồng. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 27,78%, giảm 8,43% so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm.
             Công tác phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có nhiều tiến bộ. Đến nay, 100% số trường tại vùng đồng bào DTTS đều là loại hình trường dân tộc nội trú và bán trú. Mạng lưới trạm y tế xã, trạm quân dân y kết hợp từng bước được đầu tư xây dựng khá khang trang với trang thiết bị y tế được tăng cường, biên chế đầy đủ đội ngũ y, bác sỹ phục vụ tốt cho việc khám chữa bệnh cho người cho đồng bào DTTS. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được quan tâm triển khai thực hiện; đồng bào dân tộc có ý thức xây dựng thôn bản, gia đình văn hoá, bản làng ấm no, hạnh phúc. Hiện, 100% thôn, bản xây dựng được quy ước, hương ước, góp phần từng bư­ớc xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, nhất là trong trong việc cưới, việc tang.
            An ninh chính trị, quốc phòng - an ninh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững. Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới" được triển khai sâu rộng và được Nhân dân hưởng ứng tích cực. Bà con đồng bào đã cung cấp cho các cơ quan chức năng nhiều nguồn tin quan trọng trong việc đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, đặc biệt là phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.
            Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh được quan tâm. Nhân dân luôn tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền các cấp, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
          Với niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lệ Thủy phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, góp phần xây dựng vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Lệ Thủy phát triển, văn minh, hiện đại.
NGUYỄN HỮU HÁN
                                                             HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện