Hà Tran - Xóm nhỏ trong tim người lính
Cập nhật
14/04/2025 08:50
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, chúng ta cùng ngược dòng thời gian, trở về một xóm nhỏ bên dòng sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, nơi lưu giữ những ký ức không bao giờ phai của những người lính năm xưa. Đó là Hà Tran, một cái tên mộc mạc, giản dị, nhưng đã hóa thành một phần tâm hồn của các chiến sĩ Đại đội trinh sát C20, Sư đoàn 341. Cuốn sách “Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập” sẽ là chiếc cầu nối đưa chúng ta trở về những ngày tháng ấy.
Hà Tran, một xóm nhỏ ở phía trên xã Mỹ Thủy nhưng thuộc xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, hồi đó chỉ vỏn vẹn 20 nóc nhà. Năm 1975, khi những chàng trai trẻ của Đại đội C20, Sư đoàn 341 đặt chân đến đây để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, họ đã được bà con dang tay đón nhận như con, như anh em ruột thịt. Những dòng hồi ức của các cựu chiến binh C20, Sư đoàn 341 trong cuốn sách “Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập” như một cuốn phim sống động, tái hiện tình quân dân thắm thiết, những câu chuyện giản dị mà ấm áp giữa khói lửa chiến tranh.
Qua những trang sách mỏng, nhiều ký ức sống động về xóm Hà Tran bên dòng sông Kiến Giang được khắc họa chân thực. Một buổi chiều, những chàng trai C20, phần lớn là sinh viên Đại học Sư phạm Vinh rời giảng đường khoác ba lô ra trận. Họ đến Hà Tran, mang theo tuổi trẻ, lý tưởng và cả những rung động đầu đời. Ở đó, họ gặp mạ Tòng – người mẹ của 11 chàng lính. Nhà mạ nghèo, chỉ có một cái niêu đồng, vài cái nồi đất, nhưng mạ gọi họ bằng những cái tên thân thương: “Thằng Phương nờ, con Tiến ơi, con Hà Sơn ơi…”. Mỗi tiếng gọi của mạ là một hơi ấm xua tan cái lạnh đêm đông, làm dịu cơn đói khi chờ cơm.
Không chỉ mạ Tòng, cả xóm Hà Tran đều thương bộ đội như con. Bà con chia ngọt sẻ bùi, dành cho các anh những gì tốt nhất. Giữa gian khó ấy, vẫn có những câu chuyện vui, những rung động tuổi trẻ làm lòng người ấm lại. Xóm nhỏ 20 nóc nhà mà sao lắm người đẹp thế! Em Vy – “hoa khôi Hà Tran”, em Phố, em Tám, chị Tòng… làm bao chàng trai tuổi 20 xao xuyến. Có anh chàng Lộc, nhỏ con mà tài hoa còn sáng tác cả thơ:
“Nàng hay hái hoa sim trên đồi Lệ Thủy
Sau làng Hà Tran
Bên dòng Kiến Giang
Cài lên mái tóc
Tóc nàng màu tím hoa sim
Tím tím màu lá sắn Hà Tran…”
Rồi chuyện “xá lỵ Hà Tran” của Quang Ngọc, khi xuồng chở gạo của bộ đội va phải xuồng củi của hai cô gái làm củi bung ra, xuồng lật. Hai cô lóp ngóp lên bờ, áo ướt dính người, Ngọc ngẩn ra, chỉ biết nghe cô gái cười trêu: “Eng ni, không lo vớt củi mà ngó chi!”. Hay chuyện các chị em chèo thuyền chở củi, đến gần Hà Tran thì phải lái sang bờ bắc, vì ngại nhìn các anh bộ đội tắm sông. Từ giữa dòng, các chị hò khoan:
“Ơ hơơ… sông Kiến Giang nước xanh trong chi mà trong cả mấy tầng…
Chứ mà để cho mấy eng bộ đội… không có quần lặn bơi…
Không quần này eng hãy lặn cho sâu… lặn cho sâu mà em vẫn chộ…”
Những kỷ niệm ấy tưởng nhỏ nhặt nhưng lại là những mảnh ghép quý giá trong tim người lính. Có lần, các anh C20 còn “ăn trộm” cây đàn ghi ta của đơn vị bạn, để lại 10 đồng và hòn đá đằn lên rồi mang về đàn hát cho các cô gái Hà Tran nghe. Những giai điệu ấy, tiếng cười ấy, đã tiếp thêm sức mạnh để các anh lên đường, từ Hà Tran đến Xuân Lộc, Trảng Bom, và cuối cùng là Dinh Độc Lập, nơi chứng kiến ngày thống nhất đất nước.
Nhưng chiến tranh không chỉ có tiếng cười. Có những người mãi mãi nằm lại, như chiến sĩ Hoàng Như Tụng hy sinh ở Trảng Bom, để lại câu thơ ám ảnh: “Ba ngày nữa hết chiến tranh/ Miền Nam giải phóng/ Nhưng anh không về!”. Những mất mát ấy càng làm ký ức về Hà Tran thêm sâu đậm, như một nơi chốn để trở về, để nhớ mãi.
50 năm đã trôi qua, những chàng trai C20 năm ấy giờ tóc đã bạc, làm ông nội, ông ngoại. Nhưng Hà Tran vẫn là “nhà” trong trái tim họ. Năm nay, sau lễ kỷ niệm 50 năm ngày xuất quân, các cựu chiến binh lại tìm về xóm nhỏ. Những cái nắm tay run run, những giọt nước mắt mừng vui khi gặp lại bà con, gặp lại những chị em năm xưa, nếu còn sống. Đúng như Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn!”.
Hà Tran, xóm nhỏ bên dòng Kiến Giang, không chỉ là một cái tên trên bản đồ. Đó là biểu tượng của tình quân dân, của những ngày tháng không thể nào quên. Cuốn sách “Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập” chính là món quà mà các cựu chiến binh C20 gửi lại, để thế hệ hôm nay hiểu hơn về một thời hào hùng, về những con người đã sống, yêu thương và cống hiến cho đất nước.
.jpg)
Đình Hoàng
Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy