NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CHÚ TRỌNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MŨI NHỌN
Cập nhật
03/02/2025 07:59
Những năm qua, cùng với phát triển giáo dục đại trà, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thuỷ đã đặc biệt chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Từ đó, tạo bước chuyển lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Hiện nay, toàn huyện có 81 cơ sở giáo dục công lập bao gồm 26 trường mầm non, 26 trường tiểu học, 20 trường trung học cơ sở và 09 trường tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó có 01 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở (THCS); 04 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở; 01 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học; 01 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật. Năm học 2024 - 2025, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng giáo dục huyện vẫn tiếp tục duy trì vững chắc chất lượng giáo dục đại trà, tiếp tục cải thiện chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Tại Hội khoẻ Phù Đổng toàn tỉnh năm 2024, đoàn vận động viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đoạt 30 Huy chương vàng, 27 Huy chương bạc, 41 Huy chương đồng, giành giải Nhất toàn đoàn khối phòng Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, tại Hội khoẻ Phù Đổng cấp quốc gia, có 22 em đạt giải với 36 huy chương, trong đó có 03 huy chương vàng, 08 huy chương bạc, 25 huy chương đồng. Tháng 12/2024, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, giáo dục Lệ Thuỷ tiếp tục là đơn vị có số lượng học sinh đạt giải nhiều nhất với 95 em đạt giải chiếm tỷ lệ 71,43%, gồm 04 giải Nhất, 20 giải Nhì, 37 giải Ba và 34 giải Khuyến khích.
Để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục mũi nhọn nói riêng, trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã tích cực tham mưu cho UBND huyện các đề án, chương trình để thực hiện các nhiệm vụ mới của giáo dục và đào tạo, trong đó chú trọng đúng mức đến kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu trên địa bàn huyện; huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh nghèo, giúp đỡ trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường và vươn lên trong học tập; phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi các nguồn quỹ khuyến tài nhằm động viên, khuyến khích học sinh vươn lên đạt kết quả cao trong học tập. Đã quan tâm đúng mức đến đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá ở các cấp học; tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt đối với các đơn vị thuộc vùng có điều kiện khó khăn; chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu với nhiều giải pháp như thành lập cụm bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; lấy chất lượng đại trà làm yếu tố nền tảng để nâng cao chất lượng mũi nhọn. Triển khai thực hiện các mô hình mới về giáo dục STEM, STEAM đối với giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, rèn kĩ năng sống, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Tích cực triển khai chương trình ngoại ngữ quốc gia, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong dạy và học ngoại ngữ, thực hiện lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 từ cấp học mầm non đến phổ thông. Thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, các địa phương trong quản lý giáo dục. Đổi mới công tác kiểm tra chỉ đạo của ngành đối với các đơn vị trường học, nâng cao nhận thức và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Hiệu trưởng các trường. Phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố mới điển hình tiên tiến, xuất sắc trong việc thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành để nhân rộng điển hình trong toàn ngành. Kịp thời nêu gương cán bộ, giáo viên và học sinh tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng gắn danh hiệu thi đua với hiệu quả công tác, khả năng tác nghiệp, đặc biệt là chỉ tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên trong các nhà trường. Khuyến khích cán bộ quản lý, nguồn CBQL và thành viên hội đồng bộ môn tham gia đào tạo sau đại học; lựa chọn các cán bộ giáo viên tiêu biểu để làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên được chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới sáng tạo trong dạy học. Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào huyện tiếp tục tham mưu lãnh đạo huyện, phối hợp các xã, thị trấn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; tham mưu đẩy nhanh các chương trình xây dựng trường học, tập trung chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; phòng học bộ môn, phòng học ngoại ngữ, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Đặc biệt tham mưu cho lãnh đạo huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí để phục vụ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng đến việc quan tâm hỗ trợ kinh phí cho học sinh tham gia bồi dưỡng các đội tuyển tuyến huyện một cách phù hợp.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, cùng với sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, sự đồng thuận của toàn xã hội, trong những năm qua ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã thu được những thành tích đáng tự hào, luôn là đơn vị ở tốp đầu về chất lượng giáo dục học sinh giỏi, học sinh năng khiếu trong phong trào phát triển giáo dục tỉnh Quảng Bình.
NGUYỄN VĂN VỮNG
HUV, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện