VỤ ĐÔNG XUÂN 2023: TẬP TRUNG BỐ TRÍ CƠ CẤU GIỐNG LÚA PHÙ HỢP

Cập nhật 27/12/2022 22:53 - Lượt xem: 229

Vụ Đông xuân 2023, UBND huyện Lệ Thủy tiếp tục chỉ đạo các đơn vị bố trí cơ cấu giống lúa phù hợp với chân đất và mùa vụ, sử dụng các giống lúa có khả năng chống chịu cao, chất lượng, giá trị để hạn chế tối đa thiệt hại do tác động của thời tiết, sâu bệnh hại, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

          Đối với những vùng sản xuất hai vụ lúa thì vụ Đông Xuân cơ cấu các giống lúa trung, ngắn ngày để thu hoạch sớm, đảm bảo kịp sản xuất vụ Hè Thu hoàn thành thu hoạch trong tháng 8 để hạn chế thiệt hại do mưa lũ và chuột. Tùy theo chân đất của từng vùng để lựa chọn giống lúa phù hợp: Đối với chân đất sâu, sâu vừa thì vụ Đông Xuân cơ cấu các giống lúa VNR20, Hà phát 3, Nhị ưu 838... chân đất vàn, vàn cao cơ cấu giống P6, Xuân Mai...
          Đối với những vùng sản xuất Đông Xuân tái sinh, cơ cấu các giống có khả năng tái sinh khỏe, chống chịu sâu bệnh, đỗ ngã, chua phèn tốt như Nhị ưu 838, VNR20, Hà phát 3... Đối với những vùng tử địa, chân đất vàn cao chỉ sản xuất được vụ Đông Xuân thì cơ cấu giống VN20 (có năng suất cao, giá bán cao, dễ tiêu thụ).
          Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp trong thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân, UBND huyện Lệ Thủy tập trung chỉ đạo mỗi xã, thị trấn lựa chọn cơ cấu từ 02 - 03 giống lúa chủ lực, mỗi cánh đồng chỉ cơ cấu 01- 02 giống, từng bước thay đổi tư duy theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
          Trong năm 2022, diện tích sản xuất cánh đồng lúa lớn đạt 3.865 ha, tăng 257 ha so với cùng kỳ. Đã kêu gọi được các doanh nghiệp, công ty như Công ty Giống cây trồng Quảng Bình, Tổng Công ty Sông Gianh tỉnh Quảng Bình, Công ty VTNN Hồng Quang tỉnh Ninh Bình ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giúp người nông dân chủ động hơn trong sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa.
Hoa Khai