MÔ HÌNH NUÔI LƯƠN KHÔNG BÙN TẠI XÃ MIỀN NÚI NGÂN THỦY

Cập nhật 06/02/2025 01:42

Hộ gia đình anh Nguyễn Đức Tình và Nguyễn Thị Lệ Giang ở thôn Cẩm Ly, xã Ngân Thủy là hộ dân nuôi lươn không bùn thành công với quy mô lớn, khép kín, tạo ra lợi nhuận hàng trăm triệu đồng trên năm.

             Luôn ấp ủ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, trải qua nhiều mô hình kinh chăn nuôi và trồng trọt không mấy thuận lợi. Đầu năm 2024, nhận thấy nhu cầu của thị trường về lươn thành phẩm khá lớn, gia đình anh chị Nguyễn Đức Tình, Nguyễn Thị Lệ Giang đã quyết định xây 16 bể xi măng, bên trong được lát gạch men với tổng diện tích hơn 150 m2. Phía trên được được che chắn cẩn thận để nuôi lươn không bùn với thức ăn công nghiệp. Với hơn 3 vạn con lươn giống được nhập từ các tỉnh phía nam, nhờ chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên gia đình đã gặp nhiều thuận lợi ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình nuôi thả con giống.
 

Bể nuôi lươn của hộ gia đình anh Tình, chị Giang
 
          Mỗi hồ nuôi lươn có tích 8 m2, được lắp hệ thống ống cấp, thoát nước để hàng ngày dễ tiện thay nước. Mực nước trung bình khi lươn còn nhỏ anh, chị thường để từ 10-20cm,  khi lươn đã lớn mức nước được chỉnh lên giao động trong khoảng 40-50 cm.
          Qua trao đổi anh Tình cho biết: “Tôi thấy nuôi lươn không bùn không khó, nhưng cũng phải biết qua một chút kỹ thuật và tập tính của loài lươn từ đó có cách chăm sóc thì lươn mới lớn nhanh và không bị bệnh. Điều đầu tiên người nuôi phải giữ được nguồn nước trong bễ luôn sạch sẽ bằng cách thay nước 2 lần/ngày sau mỗi bữa cho lươn ăn, việc làm này giúp lươn tránh vi khuẩn xâm nhập cũng như thúc đẩy và sinh trưởng tốt. Nếu nguồn nước không sạch thì lươn dễ bị bệnh về đường ruột, viên da và chết. Ngoài ra loài lươn thích sống chui rúc nên phải có hệ thống giá thể sợi nilon hoặc thả lưới để loài lươn có thể trú ngụ sau ăn.. Lươn nuôi 9 đến 10 tháng có thể đạt từ 250g đến 350g/con”.
 

 
Các đồng chí lãnh đạo huyện tham quan mô hình nuôi lươn không bùn
 
            Với 16 bể nuôi khép kín, trong năm 2024 anh Tình đã nuôi thử nghiệm hơn 3.000 con lươn giống. Sau gần 1 năm chăm sóc, cuối năm 2024 khi thu hoạch sản lượng ước đạt gần 03 tấn lươn thành phẩm. Với giá bán sĩ cho các thương lái đến từ tỉnh Nghệ An với giá từ 110.000 đồng/kg – 120.000 đồng/kg, doanh thu ước đạt gần 300 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh, chị lãi gần 150 triệu đồng. Nhận thấy thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm khá mạnh, đồng thời để có nguồn lươn thương phẩm cung ứng thường xuyên, liên tục cho thị trường. Ngay từ đầu năm 2025 gia đình anh Tình, chị Giang đã gia tăng số lượng đàn từ 3.000 lên 5.000 con lươn giống được thả nuôi theo hình thức cuốn chiếu từ đó gia đình có lươn thành phẩm bán quanh năm.
            Nhận thấy đây là mô hình mới của xã Ngân Thủy cũng như của huyện Lệ Thủy có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh chị sẵn sàng chia sẽ cách xây dựng bễ cũng như truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, cách phòng trị bệnh cho những người dân có nhu cầu nuôi lươn không bùn như anh qua đó góp phần đa dạng hóa đối tượng vật nuôi tại địa phương,
            Được biết lươn là thực phẩm luôn được thị trường ưa chuộng do thịt thơm ngon và có giá trị dưỡng cao, tuy nhiên nguồn lươn tự nhiên đang bị suy giảm nhanh chóng và ngày càng khan hiếm. Để đáp ứng nhu cầu về lươn thương phẩm đồng thời tạo ra công ăn việc làm thường xuyên cho người dân. Trong năm 2024 và đầu năm 2025 UBND xã Ngân Thủy đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Lệ Thủy tiếp tục xúc tiến nhân rộng và hỗ trợ các mô hình nuôi lươn không bùn bởi mô hình này phù hợp với điều kiện của những hộ dân có ít đất sản xuất, chi phí nuôi con giống phù hợp với người dân xã miền núi Ngân Thủy. Từ đó giúp nhiều hộ dân, nhất là những hộ mới thoát nghèo gia tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Tấn Hiếu
Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy