LỆ THỦY: ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ NÔNG NGHIỆP

Cập nhật 23/10/2024 02:06

Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp toàn tỉnh nói chung và huyện Lệ Thủy nói riêng đang có những bước tiến mạnh mẽ, không chỉ giúp nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ, cách làm mới mà còn thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

             Là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, năm 2017, anh Vinh bắt tay xây dựng mô hình trồng rau, quả sạch, an toàn theo hướng chuẩn VietGAP. Anh đã đầu tư hệ thống nhà màng trên diện tích 1.600m2, chủ yếu trồng các loại: cây dưa lưới, các loại rau cải, hoa cúc… Qua hơn 5 năm triển khai, sản phẩm của gia đình anh ngày càng được nhiều người biết đến và tạo được lòng tin của người mua nên giá bán cao hơn, đầu ra luôn ổn định so với rau trồng truyền thống. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình thu về hơn 200 triệu đồng. Hiện gia đình đang mở thêm một mô hình ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy) để trồng rau, quả an toàn nhằm nâng cao thu nhập. Anh Nguyễn Quang Vinh, thôn Hòa Đông, xã Hưng Thủy cho biết: “Trồng rau, quả trong nhà màng có nhiều ưu điểm như quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che nắng, mưa và ngăn côn trùng xâm nhập. Ngoài ra, tôi còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Phương pháp này còn có lợi ích ngăn ngừa sâu bệnh bằng cách giảm thiểu tiếp xúc nước với lá, thân và hoa, giảm rửa trôi của nước và chất dinh dưỡng; nhờ đó tiết kiệm chi phí lao động, thời gian sản xuất tăng năng suất chất lượng cây trồng”.
 
Mô hình trồng dưa lưới của anh Nguyễn Quang Vinh

              Huyện Lệ Thủy có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 126.705 ha. Những năm qua huyện Lệ Thủy luôn xác định chuyển đổi số là chìa khóa để phát triển ngành nông nghiệp, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm. Huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, xây dựng mã số vùng trồng, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của bà con nông dân sang nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm với cộng đồng. Thông qua ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Đến nay ở huyện Lệ Thủy đã và đang hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, kết nối tiêu thụ nông sản trong hoạt động chuyển đổi số, qua đó đã tạo thuận lợi, minh bạch thông tin, giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị sản xuất. Từ việc tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, từ đó tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 
 
 
 
               Việc chủ động ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã giúp cho ngành nông nghiệp ở huyện Lệ Thủy dần chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại ngày một hiệu quả và bền vững hơn. Tuy nhiên hiện nay một số tổ chức, cá nhân chưa quen với việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, trình độ sử dụng, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thích ứng với chuyển đổi số, hiện nay chính quyền địa phương tiếp tục chủ động đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, thông tin truyền thông sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số trong quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận để đưa công nghệ số vào sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
 Hồng Mến
Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy