Xã bãi ngang ven biển vươn lên thoát nghèo từ làm kinh tế
Cập nhật
21/12/2023 08:14
So với các xã khác, các xã bãi ngang ven biển có nhiều khó khăn hơn như đất đai khó canh tác, nguồn nước ngọt hạn chế, thu nhập thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, các xã bãi ngang trên địa bàn huyện đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới sáng tạo trong các mô hình kinh tế.
Huyện Lệ Thủy hiện có 2 xã thuộc diện bãi ngang ven biển là Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy, 2 xã này vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, để vươn lên thoát nghèo, chính quyền địa phương cũng như người dân đã lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế của địa phương với chương trình giảm nghèo, huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi lợi thế sẵn có để tăng thu nhập, phát triển kinh tế và làm giàu trên chính quê hương mình.
Một trong những hướng đi nhằm phát triển kinh tế tại xã Ngư Thủy Bắc là nuôi cá lóc và nuôi ếch thương phẩm. Đến nay, toàn xã có gần 200 hộ gia đình đào hồ nuôi cá lóc, trong đó có hàng chục hộ đầu tư phát triển nuôi 5 đến 6 hồ với diện tích 100 đến 300m2 mỗi hồ. Nuôi cá lóc trên cát là thành công lớn của xã Ngư Thủy Bắc khi chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, chi phí đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, đầu ra ổn định, nên nuôi cá lóc cho thu nhập cao hơn hẳn so với đánh bắt thủy sản ven bờ. Nghề này cũng tận dụng được diện tích cát trắng vốn lâu này bỏ hoang và các phế phẩm. Ông Trần Kim Phi, Giám đốc HTX SXKDDV Thủy sản Kim Phi, xã Ngư Thủy Bắc nói: “ Trước đây làm ăn nhỏ lẻ theo hộ gia đình, còn bây giờ làm ăn lớn hơn theo hình thức tập thể, hình thành hợp tác xã. Từ khi mới thành lập hợp tác xã chỉ có 60 thành viên, nhưng đến nay đã có 140 hộ đang nuôi về cá lóc và ếch, tổng doanh thu một năm qua của hợp tác xã trên 3.000 tấn”.
Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng nuôi cá lóc trên địa bàn xã là 1.400 tấn, nuôi ếch 80 tấn, mang về nguồn lợi lớn cho người dân. Ông Trần Kim Trung, chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết: “Từ những thành quả mà mô hình nuôi cá lóc trên cát đem lại, có thể khẳng định với ý chí quyết tâm, sự sáng tạo, tìm tòi anh Phi đã tiên phong mang sức sống mới đến cho vùng đất bãi ngang ven biển, góp phần lan tỏa mô hình nuôi trồng hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Thời gian tới Ủy ban Nhân dân sẽ tiếp tục xã vận động người dân mở rộng thêm nhiều hợp tác xã và tạo dựng thêm nhiều chuỗi giá trị khác nhau”.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả trong công tác giảm nghèo, chính quyền địa phương đã sử dụng các nguồn lực khác nhau để hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi ngan đen với kinh phí 200 triệu đồng, hỗ trợ cho 22 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn xã, mỗi hộ được nhận 150 con ngan đen và thức ăn chăn nuôi. Ông Hồ Quang Điện, xã Ngư Thủy Bắc nói: “ Với 150 con ngan, nếu gia đình chăn nuôi bảo đảm bán được đầu ra, tăng thu nhập và mua thêm giống để chăn nuôi tiếp”.
Hiện tại huyện Lệ Thủy có 2 xã bãi ngang là Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc, đặc điểm về địa hình, kinh tế - xã hội của 2 xã cơ bản giống nhau. Các khó khăn trong phát triển kinh tế cũng tương tự nhau. Để giải quyết các vấn đề trên cũng như hỗ trợ người dân thoát nghèo, phát huy vai trò tiên phong của các mô hình kinh tế cần có giải pháp đồng bộ từ chính quyền địa phương cho đến người dân. Bà Đặng Thị Hồng Thắm, Phó CT UBND huyện Lệ Thủy nói: “Ở 2 xã miền biển có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của giai đoạn 2021 – 2025 có các dự án, tiểu dự án. Hiện huyện đang tập trung chỉ đạo, phân khai, giải ngân nguồn vốn đảm bảo theo tiến độ kịp thời và đúng đối tượng, đúng quy định của nhà nước. Từ nay đến cuối năm 2025, cố gắng đưa 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới để thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn bãi ngang cồn bãi”.
Có thể thấy, tập trung khai thác thế mạnh vùng đất bãi ngang ven biển đang là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản. Đáng ghi nhận hơn, bằng sự nhanh nhạy của mình, những nông dân nơi đây đã và đang phát triển kinh tế từ các sản phẩm nuôi trồng, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã từng bước khắc phục những khó khăn, vươn lên phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư khá toàn diện, bộ mặt cảnh quan môi trường nông thôn có sự thay đổi rõ nét, đời sống của người dân từng bước nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể. Với những kết quả đó, tin rằng trong thời gian tới các xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc sẽ phát triển hơn nữa, tạo nên sức sống mới từ những vùng quê bãi ngang.
Thanh Hằng
Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy