LỆ THỦY: TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI ĐỂ NGƯỜI DÂN ĐƯỢC TIẾP CẬN NGUỒN VỐN TÍN DỤNG ƯU ĐÃI
Cập nhật
05/11/2023 08:45
"Thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”, đó là phương châm hoạt động của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lệ Thủy trong thời gian qua. Theo đó, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, đồng hành cùng các hộ nghèo, đối tượng chính sách xã hội khác đã được hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc NHCSXH Lệ Thủy, cho biết: Phòng giao dịch luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đơn vị tích cực tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có ý thức trả nợ, trả lãi đúng quy định. Để đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng và thuận lợi cho người thụ hưởng, NHCSXH Lệ Thủy phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể ủy nhiệm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn và được phân bổ đều khắp ở hầu hết các thôn, bản. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi đã khiến hoạt động tín dụng chính sách xã hội là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Đến cuối tháng 10/2023, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đạt 681.482 triệu đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, tăng 82.304 triệu đồng so với đầu năm. Cùng với đó ngân hàng cũng triển khai hiệu quả cho vay các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch và tiếp đến Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ, về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, tại huyện Lệ Thủy đạt được rất đáng khích lệ, tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, tạo sự nhận thức trong vùng đồng bào dân tộc, chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách được nâng cao, huy động được lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, góp phần giảm khoản cách giàu nghèo đối với hộ Đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, thực sự là một trong những “điểm sáng” và là một “trụ cột” không thể thay thế trong hệ thống các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay…
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều khách hàng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, như mô hình chăn nuôi, trồng trọt... Đồng thời hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Gia đình chị Hồ Thị Thời, bản Cẩm Ly, xã Ngân Thủy là một minh chứng sinh động trong hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn huyện về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi, từng bước thoát nghèo bền vững. Chị Thời tâm sự: "Trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo. Năm 2013, chị được vay vốn ưu đãi của NHCSXH từ chương trình tín dụng đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số miền núi để phát triển kinh tế. Và chị vay gói thoát nghèo 20 triệu đồng, chị đầu tư thuê máy móc đào 5 hồ cá. Tiền còn thừa, chị đầu tư mua các giống cá, như: Mè, trôi, rô phi... để thả nuôi. Nhờ mô hình nuôi cá, mỗi năm gia đình chị lãi trên 40 triệu đồng, chị dần tích cóp được tiền trả nợ vay và có thêm được khoản tiết kiệm. Có tiền, gia đình chị bắt đầu thuê máy móc về để sản xuất lúa, năng suất lúa vì thế ngày càng nâng cao. Thấy nhiều hộ trong vùng chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế, trong khi đất vườn còn để hoang nhiều, chị quyết định vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng CSXH để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Trung bình mỗi lứa, gia đình chị nuôi khoảng 30 con lợn thịt và nuôi thêm 2 con lợn nái để nhân giống. Với 2 lứa lợn, mỗi năm gia đình có thêm nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng”. Mô hình kinh tế mang lại hiệu quả đã giúp gia đình tôi thoát nghèo. Khi thoát khỏi diện hộ nghèo, NHCSXH tiếp tục cho vay vốn để duy trì phát triển sản xuất, từ đó có điều kiện nuôi con học tập, trả được nợ, sửa sang lại nhà cửa”.
Ngoài việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng, giải ngân nguồn vốn vay, NHCSXH Lệ Thủy còn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng điểm giao dịch, tổ giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn hoạt động ủy thác của các tổ chức hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn. Do đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân về công tác giảm nghèo, chất lượng tín dụng bảo đảm. NHCSXH huyện Lệ Thủy đã khơi thông kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và những đối tượng chính sách xã hội khác.
Hồng Mến – Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy