HUYỆN LỆ THỦY VỚI CÔNG TÁC TỔ CHỨC LỄ HỘI CHÙA HOẰNG PHÚC NĂM 2023

Cập nhật 06/02/2023 22:51 - Lượt xem: 154

Cứ mỗi dịp xuân về, người dân khắp nơi lại náo nức đến chùa Hoằng Phúc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy), ngôi chùa cổ nhất miền Trung để trẩy hội.

          Chùa Hoằng Phúc được xây dựng cách đây hơn 700 năm. Theo các tài liệu ghi lại, năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến thăm chùa, cầu phúc đức cho nhân dân. Lúc đó, chùa có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt lại tên chùa là Kính Thiên. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần đã ghé lại chùa và đổi tên thành Hoằng Phúc tự.
          Trải qua nhiều tác động của thời gian cùng chiến tranh, thiên tai, chùa bị tàn phá, hư hại. Cuối năm 2014, chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên trạng chùa cũ theo lối chùa cổ thời nhà Trần và được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận di tích lịch sử quốc gia. Lễ hội Di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc là một hoạt động văn hóa du lịch đặc sắc được tổ chức hàng năm của huyện Lệ Thủy. Sau 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay, Lễ hội Lễ hội DTLS Chùa Hoằng Phúc được huyện Lệ Thủy phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy jcác giá trị văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương, khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như tình đoàn kết, lòng yêu nước, sự chia sẻ,... Thông qua lễ hội, Ủy ban Nhân dân huyện Lệ Thủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình còn muốn nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ các danh lam thắng cảnh của địa phương. Lễ hội cũng góp phần nâng cao hiệu quả du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Bình.
          Những năm trở lại đây cứ vào tháng Giêng Âm lịch, chùa Hoằng Phúc lại long trọng tổ chức lễ hội với quy mô lớn, thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Lễ hội tập trung vào các hoạt động chính như: Lễ khai ấn chùa Hoằng Phúc; Lễ rước nước, khai mạc lễ hội, nghi lễ theo nghi thức Phật giáo, thả hoa đăng; cho chữ Thư pháp; tổ chức hoạt động về nguồn tại Chùa An Xá, Miếu Thành Hoàng, Miếu An Sinh, Chùa Hoằng Phúc và các hoạt động thể thao như kéo co, cờ tướng, đẩy gậy, biểu diễn Võ cổ truyền, bài chòi, đánh đu truyền thống…
          Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức. Lễ hội trở thành nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Lễ  hội còn là tiền đề cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với tiềm năng phát triển du lịch của địa phương.
          Sau 3 năm bị gián đoạn do dịch bệnh Covid 19, năm nay huyện Lệ Thủy tiếp tục tổ chức Lễ hội Di tích lịch sử Chùa Hoằng Phúc nhằm duy trì và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần của Nhân dân, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện, đồng thời tiếp tục đầu tư, tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử, văn hóa, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch Quảng Bình nói chung và huyện nhà nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Hồng Mến - Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy