HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ TRÊN MÂM CỔ TẾT

Cập nhật 18/01/2023 20:42 - Lượt xem: 148

Ngày Tết, bao giờ cũng vậy, mỗi gia đình đều mong muốn có một mâm cơm đầy đủ vị quê, mọi người quây quần cùng thưởng thức các món ngon và chuyện trò rôm rả. Đó có thể là món mứt gừng mẹ làm, hũ kiệu chua ăn kèm bánh chưng, bánh tét hay đơn giản chỉ là nỗi cá lóc đồng nướng kho gừng nồng cay cũng đủ để tạo thành niềm thương nhớ.

          Trong xã hội hiện đại nhiều phong tục truyền thống dần bị mai một, nhưng một tập quán xa xưa vẫn được người Việt lưu giữ tới nay và mãi về sau đó là tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết. Một nét đẹp truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, khi mọi người cùng nhau bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa thể hiện sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ. Gia đình Bà Đỗ Thị Lường, ở Thị trấn Kiến Giang, nhiều năm nay, vẫn giữ được thói quen gói bánh chưng vào mỗi dịp Tết. Cứ khoảng 28, 29 tết là ông bà, con cháu lại quây quần bên nhau cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt để gói bánh. Với đôi bàn tay khéo léo, mọi người trong gia đình cùng vui vẻ tạo ra những “tác phẩm” mang hương vị mùa xuân. Theo Bà Lường, gói bánh chưng công đoạn nào cũng rất quan trọng và có điều thú vị riêng của nó, nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín. Còn gì tuyệt vời hơn không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng, trong cái thời tiết giá lạnh của những ngày cuối năm, các thành viên cùng ngồi quây quần trông nồi bánh chưng xanh đang sôi sùng sục, làn khói bay lên hòa quyện với mùi vị đặc trưng của hương nếp, lá dong. Những câu chuyện về cuộc sống thường ngày, những niềm vui, nỗi buồn được hàn huyên, chia sẻ, tình thân được gắn kết bền chặt hơn, đồng thời nhắc nhở con cháu gìn giữ nét đẹp truyền thống quý giá của cha ông.
          Bà Lường, chia sẻ: “Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những đứa trẻ trong gia đình tôi rất háo hức được xem gói và luộc bánh chưng. Đây cũng là dịp gia đình tôi xum vầy, đầm ấm. Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều trẻ em khi lớn lên không nhớ hình ảnh gói bánh chưng ngày Tết. Vì vậy tôi mong muốn, hàng năm gia đình đều tổ chức gói bánh để nếp sống này luôn thấm nhuần trong mỗi đứa trẻ, để khi lớn lên chúng có thể hiểu và kế tục truyền thống ông cha. Với gia đình tôi bánh chưng Tết còn dùng làm quà tặng, quà biếu và cũng là món ăn đặc sản mời khách, cả chủ và khách cùng ăn lấy may mắn trong năm mới”.
          Những ngày Tết, ngoài bánh chưng xanh, bánh tét thì không thể thiếu thẩu kiệu cuốn dầm ớt ăn kèm, hoặc đơn giản là ăn với cơm nóng cũng đủ “hao cơm”. Món kiệu cuốn của người Lệ Thủy đã có thương hiệu truyền thống, mỗi dịp Tết, nhà nào chuyên làm kiệu cuốn để bán càng không có thời gian ngơi tay. Vào những ngày gần Tết, hình ảnh các bà, các mẹ cặm cụi nhặt từng bó hành, bó kiệu rồi đem phơi. Lại thấy trong lòng nao nao vì sắp được đón chào năm mới, được cùng gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét. Làm củ kiệu ngày Tết như một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, mà dù có đi xa cách mấy cũng sẽ nhớ mãi. Nếu có ai hỏi “mâm cơm ngày Tết có món nào đặc biệt”, thì chắc chắn sẽ chẳng ai quên được cái món mang hương vị độc đáo này.
          Sẽ không khó để tìm mua củ kiệu ngâm mỗi khi đi chợ Tết. Thế nhưng, các bà các mẹ vẫn muốn tự tay sơ chế và chế biến ra những hũ kiệu nhà làm,  vừa an toàn vệ sinh, lại vừa thơm ngon đúng ý.
          Người dân nơi đây tận dụng và tìm kiếm cách làm củ kiệu ngày Tết, biến tấu chúng thành món ăn đặc biệt. Hương vị lạ lạ tưởng chừng như rất khó ăn, nhưng đã thử qua rồi, thì mới “thấm thía” được cái hương vị của quê nhà.
         Kiệu sau khi thu hoạch sẽ được cắt bỏ rễ củ kiệu và lớp vỏ bẩn bên ngoài , sau đó, ngâm củ kiệu muối hạt khoảng 8 tiếng để loại sạch các chất bẩn có trong củ kiệu. Vớt củ kiệu ra và ngâm tiếp vào nước muối, hoặc ngâm vào nước đá để kiệu giòn hơn. Ngâm khoảng 30 phút, bạn vớt củ kiệu ra cho ráo nước rồi đem phơi cho héo. Sau khi phơi, bạn làm sạch lại 1 lần nữa. Loại bỏ lớp vỏ và lớp rễ còn sót lại trước khi đem ngâm, để ráo nước. Sau đó đóng kiệu vào lu sành hoặc hũ nhựa được pha sẵn nước mắm đường, thêm ớt tươi dầm, dấm tạo độ chua, cay, mặn, ngọt vừa đủ. Kiệu nén vào hũ sành, sứ sẽ có hương vị ngon hơn. Kiệu muối có thể dùng để kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác nhau, làm tăng thêm hương vị cho món ăn, hoặc đơn giản là dùng với cơm nóng, vị chua ngọt xen lẫn vị cay xé của ớt sẽ tăng thêm vị giác cho bữa cơm thêm ngon. Không chỉ vào dịp Tết cổ truyền mà kiệu cuốn còn trở thành món ăn trong bữa cơm gia đình hằng ngày của người dân Lệ Thủy”.
          Bữa ăn ngày Tết thường giàu chất đạm như giò, chả, thịt các loại…Việc cân bằng chất dinh dưỡng cũng như tạo sự phong phú trong bữa ăn ngày Tết là rất quan trọng, không chỉ đáp ứng vị giác của người thưởng thức mà còn đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Biết vậy nên các bà, các mẹ thường chuẩn bị thêm món cá lóc nướng kho gừng để mâm cơm thêm phần hấp dẫn. Đây là món ăn đặc sản của người dân vùng đất Lệ Thủy. Làm món cá lóc nướng kho gừng không quá cầu kì nhưng đòi hỏi thời gian và sự tỉ mỉ. Bắt đầu từ khâu chọn cá để nướng, nên chọn cá lóc cỡ vừa không quá to hoặc nhỏ. Thông thường cá lóc đồng sẽ cho thịt săn chắc, ngọt và ngon hơn cá lóc nuôi. Cá sau khi đánh vảy, bỏ ruột, rửa sạch, để nguyên con cuộn tròn lại, dùng một thanh tre vót nhọn đầu xuyên ngang qua để giữ chặt lại. Sau khi chuẩn bị xong thì cho cá lên vỉ và nướng chín trên bếp than hồng. Trong quá trình nướng, phải chú ý trở đều tay để cá chín đều và không bị cháy, khi cá gần chín, rút thanh tre để xuyên qua mình cá bỏ đi. Sau khi nướng cá xong, phơi cá ngoài nắng cho rút nước và thịt cá được dai trước khi mang kho.
          Ngoài cá lóc, gia vị làm nên hương thơm đặc trưng cho món ăn là gừng. Khi kho cá, lấy một ít lá gừng rửa sạch, củ gừng gọt vỏ, thái sợi chung với lá và thêm ít nước chè xanh để nồi cá thơm ngon hơn. Ngoài ra, để món ăn có màu vàng đẹp mắt, người nội trợ thường cho thêm một ít củ nghệ thái lát và bột nghệ. Xếp những con cá đã nướng vào nồi, cho vào một ít dầu ăn, nước mắm, muối, đường, cho gừng và nghệ đã thái vào, thêm một tí bột nghệ và ớt bột vào, đậy nắp lại và xóc thật đều để cá ngấm gia vị. Đặt nồi cá lên bếp và kho với lửa liu riu trong khoảng 20 phút, khi thấy nước trong nồi gần cạn và sánh lại là được, không kho khô quá làm thịt cá cứng mà không ngon. Cá lóc nướng kho gừng dùng với cơm nóng rất vừa miệng, là món ngon không chỉ được dùng trong ngày Tết mà đã trở nên quen thuộc với bữa cơm gia đình hằng ngày.
          Ngày xuân càng thêm ý nghĩa bởi những khoảnh khắc gia đình sum họp và quây quần ăn bữa cơm đoàn viên, thưởng thức những món ăn của bà, của mẹ và kể cho nhau nghe về công việc của năm đã qua, dự định của một năm sắp tới.
Hồng Mến
Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy