Ngân Thủy vững bước trong mùa xuân mới

Cập nhật 09/02/2023 20:52

Ngân Thủy là một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thủy, có diện tích tự nhiên 16.579 ha, dân số 2.590 người, trong đó có trên 70% là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Là xã vùng sâu, vùng xa, những năm trước đây đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80% dân số. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ, đầu tư về cơ sở hạ tầng, đường giao thông, nguồn vốn, kỹ thuật… người dân nơi đây đã và đang nỗ lực từng ngày, biến những khó khăn thành tiềm năng, lợi thế, vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình.

          Những ngày đầu xuân Qúy Mão 2023. Giữa mênh mông núi đồi, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay tích cực, khởi nguồn cho sự trù phú trong một tương lai không xa của một xã miền núi vốn gặp nhiều khó khăn. Đời sống đồng bào Bru - Vân Kiều nơi đây ngày càng sung túc, những căn nhà làm bằng tre, nứa trước kia nay được thay thế bởi những ngôi nhà xây kiên cố, vững chãi, đường quê thông thoáng, sạch đẹp, ruộng vườn xanh tốt… báo hiệu một mùa Xuân ấm no đang về.
          Với quyết tâm sớm đưa Ngân Thủy thoát nghèo, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực, tập trung thực hiện tốt định hướng phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; chăm lo đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ trở về tích cực góp sức xây dựng quê hương. Xác định rằng, với đặc trưng của một xã miền núi, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, để vươn lên thoát nghèo, trước hết phải nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tạo được động lực giúp bà con tự mình vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tranh thủ và nêu cao vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín; củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; tích cực vận động con em đồng bào dân tộc khắc phục khó khăn, chăm chỉ đến trường, coi kiến thức là hành trang vươn lên thoát nghèo.
          Để công tác tuyên truyền diễn ra thường xuyên và phát huy hiệu quả tích cực, trong điều kiện của một xã vùng sâu, khi mà số lượng người dân thường xuyên tiếp xúc với các phương tiện nghe nhìn như ti vi, sách báo còn nhiều hạn chế, xã đã tiến hành lắp đặt hệ thống loa phát thanh về từng thôn, bản. Hiện tại Ngân Thủy đã lắp đặt được  cụm loa phát thanh ở 6 bản. Trung bình 01 ngày các cụm loa phát thanh phát từ 2-3 giờ, tuyên truyền về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về tình hình thời sự; giới thiệu những mô hình kinh tế giỏi, hướng dẫn những cách làm hay hoặc những kỹ thuật canh tác, chăn nuôi mới, hiệu quả... giúp bà con nâng cao nhận thức, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.
          Cấp ủy, chính quyền xã đã không ngừng nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thường xuyên  phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp và các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm, khu vườn mẫu; hỗ trợ con giống, cây giống… giúp bà con đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ. Đặc biệt, mô hình trồng nếp than bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Vụ Hè -Thu năm 2022, xã Ngân Thủy tiếp tục gieo trồng nếp than trên diện tích 2ha, năng suất đạt 35 tạ/ha, giá bán 45.000 đồng/kg. Sau một thời vắng bóng, hạt nếp than thực sự trở lại và hồi sinh trên mảnh đất quê hương của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy. Giống lúa nếp than có giá thành cao gấp trên 3 lần so với các giống lúa đã được gieo trồng trước đó, nếp than đang mở ra một hướng đi tích cực cho đồng bào Bru - Vân Kiều nơi đây. Nối tiếp thành công đó, xã Ngân Thủy đang hoàn thiện các bước để sớm xây dựng nếp than thành sản phẩm OCOP, đưa nếp than trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
          Với sự nỗ lực của cấp, chính quyền địa phương, người dân, nhất là đồng bào Bru - Vân Kiều đã có những đổi thay mạnh mẽ từ cách nghĩ đến cách làm, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực. Diện tích trồng keo duy trì ổn định với 1.000 ha. Diện tích gieo trồng đạt trên 250 ha, trong đó diện tích lúa đạt trên 180ha/2 vụ; số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng lên đáng kể với trên 3.200 gia súc và  trên 16.000 gia cầm. Đời sống người dân ấm no hơn, bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Đến nay, 100% dân số sử dụng điện lưới, hệ thống các điểm trường tiểu học và trung học cơ sở cơ bản hoàn thiện, giao thông khá thuận tiện, 100% số hộ có sử dụng phương tiện nghe nhìn và liên lạc. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây nông thôn mới tại xã đạt 8/19 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm dần qua hàng năm. Năm 2023, hộ nghèo còn 209 hộ giảm 66 hộ, chiếm tỷ lệ 30,74% . Trong điều kiện của một xã miền núi còn nhiều khó khăn, đây là con số không hề khiêm tốn. Hiện xã đang tiếp tục kêu gọi đầu tư và tích cực phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao khôi phục các nét đẹp văn hóa cộng đồng của người Bru - Vân Kiều, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
          Nói về những kết quả đã đạt được, đồng chí Hồ Văn Núi, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh:  Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự thay đổi trong nhận thức người dân, Ngân Thủy đã không ngừng nỗ lực, dần thay đổi trong cách nghĩ, cách làm. Sau nhiều năm, giờ đây, diện mạo Ngân Thủy đã có nhiều khởi sắc, đời sống bà con cũng được no ấm và sung túc hơn bội phần. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo như Hồ Thương ở bản Cữa Mẹc, Hồ Thị Thủy ở bản Rào Đá, Hồ Ngưn ở bản Khe Giữa... Bằng đôi bàn tay và nghị lực kiên cường, người Bru - Vân Kiều nơi đây sẽ tiếp tục nỗ lực để xây dựng quê hương ngày càng trở nên tươi đẹp và no ấm hơn.
          Xuân năm nay, đồng bào Bru - Vân Kiều ở Ngân Thủy đã có thêm nhiều ngôi nhà mới khang trang, vững chãi, có thêm những con đường sạch đẹp, rộng rãi để đi lại, các nhà văn hóa thôn, bản cũng đã được đầu tư xây mới, tu sữa khang trang hơn phục vụ đời sống tinh thần, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao trong dịp đầu năm. Đời sống ngày càng được cải thiện, người dân càng phấn khởi và có thêm động lực để vươn lên thoát khỏi cái nghèo, phát triển và hội nhập với cộng đồng.
          Để giúp đồng bào có một cái Tết vừa qua ấm no, sum vầy hơn, xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tổ chức chương trình “Tết cho người nghèo”, “Bữa cơm cho em” với hàng trăm phần quà, tiền mặt trị giá từ 300-500 nghìn đồng/phần quà và nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác góp phần giúp bà con có một cái Tết sung túc hơn.
          Tạm biệt Ngân Thủy khi mặt trời đã xế núi, tiếng người trò chuyện xen lẫn tiếng loa phóng thanh rộn rã, hình ảnh những chàng trai, cô gái Bru - Vân Kiều hối hả trở về nhà trên lưng mang những chiếc gùi nặng trĩu… Không khí vui tươi tỏa khắp các nẻo đường thôn, bản. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt của đồng bào. Không khí ấm áp của mùa xuân, mùa của hy vọng và ước mơ, mùa của mùa màng no ấm đã về khắp nơi đây.
Đình Hoàng
Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Lệ Thủy