Xã An Thủy chủ động phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai

Cập nhật 11/10/2023 21:55 - Lượt xem: 126

Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2023, xã An Thủy đã triển khai nhiều giải pháp, phương án nhằm chủ động phòng chống lụt bão với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả", nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

          Xã An Thủy có diện tích tự nhiên 22,7 km², dân số khoảng trên 10.000 người. Xã có 6 thôn, Lộc Thượng, Lộc Hạ, Lộc An, Thạch Bàn, Phú Thọ, Tân Lệ. Địa hình An Thủy trải dài 9 km chạy dọc theo sông Kiến Giang thấp dần xuống phía hạ lưu. Dân cư ở dọc sông và sát ruộng lúa thấp trũng, vì vậy về mùa mưa rất dễ bị lũ lụt. ở vị trí địa hình tiếp giáp phá Hạc Hải rât trống trải, khi mùa mưa gió không có vật che chắn nên chịu ảnh hưởng của sóng gió rất lớn.
          Xác định công tác phòng chống lụt bão là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền xã An Thủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó và khắc phục kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ. Xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai công tác PCTT&TKCN; chỉ đạo các thôn căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng các phương án phòng, chống phù hợp. Đồng thời, tổ chức kiểm tra các công trình cầu cống trước mùa mưa lũ và xây dựng phương án di dời các hộ dân tại các khu vực xung yếu ven sông, các khu dân cư có khả năng bị ngập sâu.
          Việc chỉ đạo theo phương châm 4 tại chỗ trong PCTT&TKCN được An Thủy triển khai cụ thể và sớm hơn một bước. Cơ sở hạ tầng của An Thủy ngày càng phát triển; Trụ sở  UBND xã, 5 trụ sở hợp tác xã, 4 trường học với 6 điểm trường, Trạm y tế được đầu tư xây dựng cơ bản kiên cố 2 tầng, riêng nhà thôn Lộc An vừa được bàn giao nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ. Ban chỉ đạo PCTT&TKCN gồm lực lượng dân quân cơ động, Lực lượng an ninh; Lực lượng xung kích; Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã, thôn,  trường học, Trạm Y tế, các ban, ngành, đoàn thể cấp xã. Vật tư tại chỗ xã cũng đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu huyện giao, ca nô gắn máy, bao tải, ván phay, cọc tre, máy phát điện, lương thực thực phẩm tại chỗ. Phương án PCTT&TKCN được xây dựng với hai tình huống, đó là: Bão đổ bộ vào địa bàn; lũ lụt, lũ lụt sau hoàn lưu bão. Các khu vực dân cư có thể chịu ảnh hưởng lớn như Thạch Bàn, Phú Thọ, Tân Lệ thì phương án phòng chống được chú trọng việc chủ động “4 tại chổ” của chính quyền và người dân. Ban CHQS, Ban CA xã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể  huy động lực lượng, sử dụng tối đa các phương tiện trang thiết bị để triển khai ngay kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn…UBMT xã, Hội chữ thập đỏ phối hợp với 6 thôn và các xóm tổ chức tiếp nhận cấp phát cứu trợ về lương thực, thực phẩm thuốc men, hổ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn.
          Xuất phát từ vị trí địa lý tình hình biến đổi của khí hậu, khi mùa mưa bão đến An Thủy có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp với hậu quả nặng nề. Nếu cường độ bão càng lớn thì nước lũ càng dâng cao, có khi lên 3-5m. Trong trường hợp triều cường nếu bão đổ bộ thì mực nước dâng lên càng cao.
          An Thủy là địa phương địa bàn thấp trũng có nhiều nguy cơ khi mùa mưa bão đến, tuy vậy, với tinh thần chuẩn bị chu đáo, kịp thời sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống thiên tai, công tác phòng chống lụt bão của xã An Thủy sẽ phát huy hiệu quả để bảo vệ tài sản, tính mạng của Nhân dân khi mưa bão xảy ra.
Đình Hoàng