Phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa cho trẻ

Cập nhật 26/03/2024 07:56 - Lượt xem: 44

Trước tình trạng gia tăng số ca mắc một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em như thủy đậu, sốt virus, tay chân miệng... các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cho trẻ được học tập trong môi trường an toàn.

          Tại nhiều trường học, bảng tin khuyến cáo các dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp và cách phòng tránh được đặt ở vị trí dễ quan sát ở sân trường để phụ huynh theo dõi, phối hợp với nhà trường thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ. Trước các cửa lớp cũng có bảng hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân. Công tác vệ sinh phòng học, bếp ăn, đồ dùng bán trú của học sinh được duy trì thực hiện đều đặn hàng ngày, đảm bảo đúng quy trình, quy định. Bên cạnh đó, các nhà trường đã tăng cường giáo dục cho trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự phục vụ, tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.
          Tại Trường Mầm non Trường Thủy, công tác phòng, chống dịch bệnh cho trẻ được nhà trường quan tâm sát sao. Những năm học qua, nhà trường đã xây dựng và thực hiện hiệu quả phương án phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ về mọi mặt. Nhà trường tích cực phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt các biện pháp theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho trẻ. Năm học 2023-2024, nhà trường có gần 500 học sinh ở các nhóm lớp, hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tiếp tục được nhà trường triển khai thực hiện tốt.
          Một trong những nội dung đã và đang được Trường Mầm non Trường Thủy quan tâm thực hiện hiệu quả, đó là công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trường đã xây dựng thực đơn, phân bổ bữa ăn phù hợp với từng độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em; thời gian tổ chức ăn cho trẻ thực hiện theo lịch sinh hoạt hằng ngày bảo đảm đúng quy định. Ngoài ra, trường đẩy mạnh giáo dục trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự phục vụ, tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe, giúp hình thành thói quen tốt cho trẻ, góp phần để trẻ phát triển toàn diện.
          Cô giáo Hoàng Thị Lài, Hiệu trưởng trường mầm non Trường Thủy, cho biết: Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với trạm y tế xã trong việc thực hiện các biện pháp theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì cho trẻ. Quan tâm bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho trẻ mầm non. Để tăng cường các hoạt động vệ sinh, chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ, Ban Giám hiệu nhà trường đã thực hiện kiểm tra lịch vệ sinh hàng ngày, tuần, tháng trong các nhóm, lớp theo quy định. Tại các nhóm, lớp, giáo viên đã chú trọng giáo dục trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự phục vụ, tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe; lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe trong thực hiện chế độ sinh hoạt hằng ngày phù hợp với điều kiện thực tế.
          Trên địa bàn huyện Lệ Thủy hiện có 28 trường mầm non. Xác định trong môi trường lớp học bán trú rất dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm, ban giám hiệu các nhà trường đã quán triệt đến toàn bộ giáo viên phải tăng cường trao đổi với phụ huynh, chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe của trẻ mỗi ngày, kịp thời phát hiện những trường hợp trẻ mắc bệnh để có biện pháp cách li, tránh lây lan. Công tác vệ sinh trường, lớp học, đồ dùng bán trú, đồ chơi của trẻ được thực hiện thường xuyên. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ được cân đối phù hợp để tăng sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời phối hợp với trung tâm y tế đẩy mạnh tuyên truyền phòng dịch bệnh, chỉ đạo các trường học theo dõi sát tình hình các dịch bệnh, triển khai các giải pháp phù hợp, không để dịch bệnh bùng phát trong trường học.
          Qua theo dõi tình hình dịch bệnh ở trẻ nhỏ cho thấy, vào mùa đông, nhất là thời điểm giao mùa, trẻ nhỏ thường mắc các bệnh về đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết... Để phòng, chống dịch bệnh trong các trường mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho trẻ mầm non khi đến trường.
          Các chuyên gia y tế cho biết, thời tiết mùa đông, nhất là thời điểm giao mùa, số lượng bệnh nhi nhập viện thường gia tăng, chủ yếu là các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như: tay-chân-miệng, cúm, viêm phổi, các bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, thủy đậu..., các gia đình cần thường xuyên theo dõi dự báo, diễn biến thời tiết để có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ phù hợp, như: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; cho trẻ mặc ấm, giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, tiêu chảy, bệnh hô hấp...
          Sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sinh hoạt tập thể tại trường học là nguyên nhân khiến học sinh, nhất là ở bậc mầm non dễ bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cần được các nhà trường tăng cường và thực hiện một cách thường xuyên. Để phòng, chống dịch bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh cần quan tâm xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ; đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc-xin theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng để giúp trẻ luôn khỏe mạnh, được bảo vệ sức khỏe.
Hồng Mến - Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy