LỆ THỦY CHUYỂN ĐỔI SỐ CẦN SỰ TIÊN PHONG CỦA TỔ CÔNG NGHỆ SỐ CỘNG ĐỒNG
Cập nhật
22/10/2024 02:08
Chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi tư duy và nhận thức. Để thành công trong chuyển đổi số, mỗi người dân phải trở thành công dân số. Các Tổ công nghệ số cộng đồng ở huyện Lệ Thủy đang phát tốt vai trò của mình, trở thành cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận chuyển đổi số, hỗ trợ lên môi trường số. Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số từ cơ sở trên địa bàn huyện.
Huyện Lệ Thủy có 26 BCĐ chuyển đổi số cấp xã, 187 tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn (thôn, bản, tổ dân phố); Ở cấp xã, thị trấn, Tổ trưởng Tổ công nghệ số là Chủ tịch UBND xã hoặc cán bộ VH-XH , còn ở cấp thôn do trưởng thôn làm Tổ trưởng. Ở nhiều địa phương khi thành lập và đi vào hoạt động vẫn có tư tưởng phụ trách chính trong công tác chuyển đổi số, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi số là của đoàn viên thanh niên. Chính vì tư tưởng này nên ở nhiều nơi phó mặc công tác hướng dẫn Kỹ năng số đến với người dân cho tổ chức Đoàn mà chưa có sự tham gia tích cực từ các thành viên khác trong Tổ. Với việc chia nhỏ người phụ trách hướng dẫn vào hộ dân cũng như hướng vào những người trẻ, thuộc lứa dễ tiếp cận với công nghệ nên quá trình thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến diễn ra được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đây cũng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy lợi ích của chuyển đổi số có thể tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Đồng chí Lê Anh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn huyện thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ, cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số có trình đồ chuyên môn về công nghệ thông tin còn thiếu. Kinh tế số chưa có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Việc phổ biến, kỹ năng số và những kiến thức về chuyển đổi số cho người dân còn gặp nhiều khó khăn do tổ công nghệ số cộng đồng ở một số địa phương hoạt động còn chưa thật là đều tay”.
Tổ Công nghệ số cộng đồng huyện Lệ Thủy hỗ trợ hướng dẫn bà con trong bản cài đặt định danh điện tử
Mô hình thay đổi nhận thức về chuyển đổi số tới từng người dân thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng không phải là câu chuyện đơn lẻ mà là yêu cầu cần thiết của mỗi địa phương muốn chuyển đổi số thành công. Với tôn chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", Tổ công nghệ số cộng đồng được xem là có vai trò quan trọng góp phần vào quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất sâu rộng, triệt để cũng như hiệu quả ở địa phương. Tại nhiều nơi, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ cũng như có tác động tích cực nhằm hướng người dân lên môi trường số. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, xóm là cầu nối của chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến Nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn. Đồng chí Phạm Văn Hoạt, Huyện đoàn Lệ Thủy cho biết: “Thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ, Kế hoạch của Tổ công tác Đề án 06 huyện Lệ Thủy về triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, ĐVTN và nhân dân về nội dung Đề án số 06. Trong đó, nhấn mạnh những tiện ích, tác dụng của thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, định danh điện tử, ứng dụng VNeID bằng nhiều hình thức thiết thực thông qua facebook, zalo; hệ thống loa phát thanh, hội nghị, tờ rơi... Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an các xã, thị trấn triển khai rà soát, lập danh sách số ĐVTN chưa được cấp CCCD gắn chíp điện tử và định danh điện tử để thực hiện việc cấp CCCD, đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 theo quy định”.
Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, nhất là thanh niên, mở ra cho người trẻ nhiều cơ hội để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, cũng như đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới. Do đó, với sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết, xung kích, tiên phong, tuổi trẻ Lệ Thủy tiếp tục tận dụng tối đa những lợi thế, nắm bắt cơ hội để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được lãnh đạo huyện tin tưởng giao phó, từng bước khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như quá trình phát triển của huyện trong thời kỳ mới. Thực tế cho thấy ở nơi nào, cấp ủy, chính quyền quan tâm đến hoạt động của Tổ công nghệ số, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thì ở nơi đó, Tổ công nghệ số hoạt động khá hiệu quả. Đồng chí Lê Anh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Phòng văn hóa Thông tin sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện, tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chỉ số cải cách hành chính. Đồng thời, có các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh xã hội số và kinh tế số, lấy người dân làm trung tâm, tiếp tục phổ cập kỹ năng số cho người dân qua các kênh truyền thông và sự tham gia của tổ công nghệ số cộng đồng. Bên cạnh đó, chú trọng hướng dẫn, đôn đóc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch CĐS đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, kịp thời thống kê tổng hợp kết quả triển khai báo cáo UBND tỉnh, huyện; Phối hợp với các phòng, ban,đơn vị liên quan tuyên truyền mở các chuyên trang chuyên mục về CĐS nhân rộng các tập thể, cá nhân về CĐS trên địa bàn huyện”
Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trong thời gian qua đã cho thấy đây thực sự là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, là giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những giải pháp mang tính đột phá mà các địa phương đã và đang triển khai, qua đó góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.
Xuân Cường- Hồng Mến
Trung tâm VH- TT&TT Lệ Thủy