LỆ THỦY PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Cập nhật
23/10/2024 02:21
Những năm qua, những Người có uy tín trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã phát huy vai trò của mình trong công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước. Hoạt động của những người có uy tín đã góp phần chung tay cùng chính quyền và Nhân dân làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân ở các thôn bản, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Huyện Lệ Thủy có diện tích tự nhiên hơn 1.400 km2 với 26 xã, thị trấn, trong đó có 03 xã biên giới. Dân số 137.831 nghìn người, trong đó có 1.605 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là người Bru - Vân Kiều. Nhận thức vị trí, vai trò quan trọng của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của Người có uy tín.
Hiện nay, huyện Lệ Thủy có 22 NCUT ở 24 thôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đội ngũ Người có uy tín ở huyện Lệ Thủy có đầy đủ các thành phần, gồm: già làng, trưởng bản. Đó là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với Nhân dân, là địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, nhiều Người uy tín đã trở thành tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực, như: ông Hồ A Lai, Hồ Văn Pan, Hoàng Bình xã Kim Thủy, ông Hồ Ngọc Thọ xã Ngân Thủy… Thông qua các dịp lễ hội truyền thống, các cuộc họp của thôn bản, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hoạt động của các xã, thị trấn… họ đã tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc, tôn giáo góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đội ngũ người có uy tín huyện Lệ Thủy đã luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiến đất xây dựng trường học, trụ sở làm việc, nhà sinh hoạt cộng đồng, làm đường giao thông...Già làng Hồ A Lai ở bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy là một ví dụ điển hình về người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất. Trước đây, gia đình già Hồ A Lai thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ nguồn vốn từ chính quyền, gia đình ông đã tiến hành khai hoang trồng lúa nước 2 vụ/năm, đào ao thả cá. Ngoài ra, tận dụng lợi thế của vùng gò đồi, gia đình ông còn khai hoang để trồng thêm cây keo lai, bạch đàn… Đến nay già đã sở hữu trang trại hàng chục héc ta rừng trồng và một mô hình vườn ao chuồng khá quy mô. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của già làng Hồ A Lai… Từ mô hình kinh tế của ông, nhiều hộ trong bản đã học tập làm theo.
Ông Hồ Song, Trưởng bản An Bai, cho biết, trước đây bà con sống dựa vào tự nhiên, cuộc sống bấp bênh, thường xuyên thiếu ăn. Từ khi được chính quyền quan tâm, giúp đỡ, bà con đã tận dụng các bãi bồi ven khe suối, cải tạo vườn tạp để trồng các loại hoa màu, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập khá. Đặc biệt, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ 3 xã miền núi xây dựng được một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo như: các mô hình sinh kế, vườn mẫu trồng cây ăn quả, trồng kiệu, chuối tiêu, nuôi gà thả vườn, nuôi ngan đen, lợn nái sinh sản. Với sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, ngày càng xuất hiện nhiều hộ đồng bào dân tộc làm kinh tế giỏi, cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tiêu biểu như: Hồ Văn Song, Hồ A Lai (xã Kim Thủy), Nguyễn Văn Thạch, Ngô Thị Quế (xã Ngân Thủy), Hồ Thanh Bùi, Hồ Văn Ngọc (xã Lâm Thủy) và nhiều cá nhân tiêu biểu khác. Đến nay, cả 03 xã có 183 ha lúa nước, trong đó có 120 ha sản xuất lúa 2 vụ, năng suất bình quân đạt 48 tạ/ha/năm; ngô có 29,5 ha, năng suất bình quân đạt 18,5tạ/ha; lạc có 37,6 ha, năng suất bình quân đạt 21tạ/ha; đậu các loại có 15,8 ha, năng suất bình quân đạt 8tạ/ha; sắn có 147 ha, năng suất bình quân đạt 170tạ/ha; cây ăn quả có 11 ha (ổi, cam, bưởi, mít...); đàn gia súc trên 4.100 con; đàn lợn gần 5.000 con... Một số mô hình sản xuất có hiệu quả, tiêu biểu như: các hộ nuôi trồng thủy sản ở Bản Cẩm Ly, Cửa Mẹc, An Mã, Cây Bông; mô hình trồng nếp than, trồng mít Thái (xã Ngân Thủy)...Với sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, ngày càng xuất hiện nhiều hộ đồng bào dân tộc làm kinh tế giỏi, cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tiêu biểu như: Hồ Văn Song, Hồ A Lai (xã Kim Thủy), Nguyễn Văn Thạch, Ngô Thị Quế (xã Ngân Thủy), Hồ Thanh Bùi, Hồ Văn Ngọc (xã Lâm Thủy) và nhiều cá nhân tiêu biểu khác.
Không những vậy, người có uy tín còn vận động con cháu dòng họ, dòng tộc, người thân không tham gia vào các tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, rượu chè, nghiện hút…; làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở. Đồng thời, tích cực vận động đồng bào phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Cùng với việc chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT phát triển khá mạnh mẽ, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Các phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, kế thừa và phát huy. Đã phối hợp phục dựng lại Lễ hội Mừng cơm mới tại bản Còi Đá (đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2022). Đến nay, cả 3 xã có 22/24 thôn, bản văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 81%; 100% thôn, bản đã xây dựng được quy ước, hương ước.
Trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, người có uy tín cũng tích cực tuyên truyền người dân không di cư tự do, tranh chấp đất đai, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Cùng với đó, đội ngũ những người có uy tín phối hợp với chính quyền địa phương tham gia giải quyết các vấn đề liên quan trên biên giới; vận động ổn định tình hình nhiều vụ phát sinh trong nội bộ đồng bào, các vụ tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất rừng… Đến nay, cả 3 xã có 1.278 hộ có rừng sản xuất với hơn 9.515 ha; đã có 103 nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số và 1.119 hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ 3.627 ha rừng. Hầu hết các cộng đồng, nhóm hộ đồng bào dân tộc đều lập các tổ bảo vệ rừng, tổ chức tuần tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm bảo vệ diện tích rừng được giao.
Từ thực tế ở cơ sở, người có uy tín đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ phát hiện, xử lý các vụ phạm pháp hình sự. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở 3 xã miền núi giữ vững ổn định. Công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được chú trọng thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho biết, “Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ổn định và phát triển, thời gian đến huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người có uy tín. Thực hiện tốt công tác chăm lo, động viên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những người uy tín có thành tích tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận, phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự làm nòng cốt cho các phong trào ở địa phương”.
Những công lao đóng góp của già làng, trưởng bản, NCUT đã góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước; thực sự là “chỗ dựa” đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của huyện.
Hồng Mến
Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy