KÝ ỨC MÙA ĐÔNG QUÊ TÔI

Cập nhật 03/01/2024 08:19 - Lượt xem: 95

Trời mưa dầm dề, gió Đông Bắc rít từng cơn, cảnh trời xám xịt, cây cối ngoài vườn cành lá vít vào nhau nghe âm thanh xào xạc, trời rét buốt. Nhìn cảnh trời Đông hôm nay, lòng tôi lại xốn xang, bùi ngùi nhớ về những mùa Đông của thời quá khứ.

          Thời còn là trẻ nít vào thập kỷ 1960 - 1970 đang tuổi học sinh cấp I, cấp II, trang lứa chúng tôi một buổi đi học, một buổi vui chơi, giúp bố mẹ làm việc nhà, có một số bạn bè cùng tôi là “trẻ trâu” mà người xưa gọi là trẻ “mục đồng”. quanh năm bốn mùa theo đuôi trâu, Mùa Xuân là lúa cấy lên xanh phủ cả cánh đồng phải chăm giữ trâu cẩn trọng để trâu không ăn lúa. Mùa Hạ, sau khi lúa mới gặt xong thì chăn thả thoải mái hơn. Qua mùa Thu thì một ít diện tích gần làng làm vụ lúa Hè Thu, mà quê tôi gọi là “Lúa vụ 8”, hay gọi là “ Vụ Chăm”. Bởi có lẻ vụ này phải đầu tư công chăm bón nhiều hơn, nên chăn thả trâu ở vùng đồng ngoài không làm vụ Hè Thu cũng thoải mái. Còn vào cuối Thu sang Đông là đồng làng chưa gieo mạ, cấy lúa nên sáng dậy lùa trâu ra thả ngoài đồng cho trâu tự kiếm ăn, chiều đến mới ra đón trâu về chuồng. Lúc này chăn trâu thoải mái, nhưng nhìn đàn trâu lội kiếm ăn dầm mình trong nước thương lắm! Đặc biệt là những đợt không khí lạnh tràn vào, gió Đông Bắc rít từng cơn, trời rét đậm càng thương trâu hơn. Những ngày này chiều đến là lũ trẻ trâu chúng tôi ra đồng để đón trâu. Chúng tôi thường rủ nhau đến những bụi tre ở ngoài đồng để trốn gió và nhặt những cành củi khô nhóm lửa ngồi cho đỡ rét, rồi rủ nhau đi bắt ốc, bắt cua, bắt cá tôm để nướng cặp với đọt cây Mưng để ăn vui lắm, nên quên cả rét mướt. Cảm tác với cảnh xưa, có thành viên Câu lạc bộ thơ “Chân Quê” làng tôi, trong bài “Quê Hương” có câu:
            “ Quê hương là xóm nghèo heo hút những ngày đông
              Là khúc sông  bến nước xóm Đuồi
              Là cánh đồng lênh đênh mùa nước nổi
              Nơi lũy tre làng con trốn giò tìm trâu...”.
           Gần gũi lắm với cảnh làng quê ngày đó, với hình ảnh đứa trẻ, con trâu mọng và lũy tre làng, hình ảnh ấy trở thành điển tích, trong đó có hình ảnh của trang lứa trẻ trâu của chúng tôi ngày trước.
            Ngày ấy chăn trâu là trâu của Hợp tác xã, giao cho một số hộ xã viên đảm nhận chăn giữ. Quê tôi ở chốn đồng sâu chiêm trũng, nên chủ yếu chăn nuôi trâu bò để cày bừa làm đất, cày bừa là dùng trâu đôi, 2 con trâu mới kéo nổi một chiếc cày để lật đất ngầm, mỗi đội sản xuất lúc bấy giờ chỉ có một đôi bò để làm những thửa ruộng cạn, đất đẹ. Để dự trử rơm khô cho trâu bò ăn mùa Đông, sau mỗi mùa thu hoạch vụ Đông Xuân xong là mỗi đội sản xuất xây cất một cây rơm cao to nhất trời nơi địa điểm đất cao ráo. Mỗi mùa Đông đến, trời rét mướt là đàn trâu đến đứng quanh cây rơm ăn rơm và trú rét.
           Về mùa Đông, ngoài rơm ra, những hộ gia đình chăn giữ trâu bò còn phải chèo thuyền ra những vùng đồng hoang, ra phá Hạc Hải để cắt cỏ làm thức ăn cho trâu. Nhớ những lần trời rét căm căm, tôi theo bố đi thuyền ra phá Hạc Hải để cắt cỏ cho trâu, bố Bố quấn chiếc khăn giữ ấm trên đầu, miệng ngậm gừng, rồi dầm mình trong nước rét chá để cắt cỏ, còn tôi phụ với bố sắp chất cỏ trên đò, nhìn da thịt của bố rét đỏ tía, bố nghiến răng chịu rét tôi thương bố lắm! Nhìn bố thương bố và thương những người nhà nông quê tôi. Ngày đó trâu đàn của HTX nên làm chuồng ràn để nhốt trâu tập trung, thường thì mỗi gia đình chăn giữ một đôi trâu, nên mỗi gian chuồng ràn là nhốt 2 con trâu, phía trước và chung quanh chuồng ràn là người ta làm giàn để đựng cỏ cho trâu đứng ăn. Vất vả nhất là những đêm mưa rét chủ chăn trâu phải mang tơi đội nón ra chuồng ràn bỏ cỏ lên giàn cho trâu ăn, để sáng sớm đưa trâu đi cày. Tôi nhớ năm 1960-1963 có những đợt rét đậm, ở quê tôi trâu chết nhiều quá, lúc bấy giờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - đảm trách Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, về chỉ đạo Nông nghiệp ở huyện Lệ Thủy quê tôi. Đêm đêm Đại tướng về tận từng chuồng ràn trâu, bò của các HTX để kiểm tra tình hình chống rét cho trâu, bò. Đại tướng chỉ đạo cho các HTX, các chủ chăn dắt trâu, bò nấu bột gạo ấm cho trâu uống, rồi phát động phong trào, với chủ đề: “Nắm cỏ khao trâu, đỡ đầu sức kéo”. Vậy là mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, đặc biệt là lực lượng Đoàn Thanh đi đầu trong phong trào, mỗi ngày, mỗi người góp từng nắm cỏ để tăng thức ăn cho trâu. Hưởng ứng phong trào ấy, học sinh chúng tôi mỗi buổi sáng đến trường là mỗi người có một lọn cỏ thiết thực hưởng ứng phong trào. Từ đó giảm số lượng trâu bò chết và cứu được những đàn trâu qua nạn rét mùa Đông. Ngoài kiểm tra và chỉ đạo chống rét cho trâu bò, Đại tướng còn mang mo cơm trong người lội băng trên những cánh đồng để kiểm tra tình hình nước nôi và khâu làm đất cho xuống vụ cấy trồng Đông - Xuân. Hình ảnh ấy của Đại tướng qua thơ của Tố Hữu có câu: “Ở đâu nghèo đói gọi xung phong/Lon nước mo cơm lội khắp đồng..." Một vị tướng gần gũi, bình dị vậy đó!
           Thời đó, hàng năm chuẩn bị xuống vụ cấy trồng Đông-Xuân  là bước đầu  khẩn trương làm đất để có địa bàn cấy.Trước khi xuống vụ làm đất là HTX tổ chức Đại hội, thành phần là thợ cày và các chủ trâu, mà quê tôi gọi là “Đại hội trâu cỏ” để phát động xuống đồng cày bừa làm đất. Xuống vụ cấy trồng Đông –Xuân là quê tôi tất bật, rộn ràng với tinh thần khẩn trương vì thời vụ, mà người quê tôi thường nói với nhau là: “Nông vụ tấn thời”. Có địa bàn làm đất xong là đồng loạt loạt xuống đồng. HTX tổ chức ngày hội xuống đồng “trống dông, cờ mở”, cổng chào khẩu hiệu, cờ Đảng, cờ Tổ quốc từ những nẽo đường làng ngõ xóm và ra tận ngoài đồng, rồi tiếng trống dục liên hồi, tạo nên khí thế sôi nổi, rộn ràng khích lệ lòng người. Khẩu hiệu với nội dung: “Mừng Đảng, mừng xuân cấy xong trước Tết”; “Tất cả cho Đông - Xuân đại thắng”; “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm”; “Tranh thủ trời nắng, chiến thắng trời mưa”... Tạo nên khí thế  thi đua sôi nổi, tất cả lao động đổ xô ra đồng, làm ngày làm đêm.
Mỗi mùa Đông đến xuống vụ cấy lúa Đông - Xuân là nhà nông quê tôi vất vả lắm! Ngày ấy làm ăn tập thể “HTX là nhà, xã viên là chủ”! Vào vụ cấy trồng Đông - Xuân là khẩn trương để cấy cho kịp vụ, nên thường các cơ quan cho cán bộ nhân viên, kể cả các đơn vị bộ đội về giúp dân để cấy xong kịp vụ. Ngày trước Nhà nông vất vả lắm, đời sống còn gặp khó khăn, buổi “cơm thua gạo kém”, cơm chưa đủ no, áo quần chưa đủ mặc, mảnh chăn chưa đủ ấm, nhưng phải lao động mệt nhọc, mà đặc biệt là Nhà nông quê tôi nơi chốn đồng sâu nước nổi, đi làm phải ăn ngày 5 bữa, gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ, bữa ăn chính là bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, còn giữa buổi sáng ăn bữa phụ, giữa buổi chiều cũng ăn cơm bữa phụ, mà quê tôi gọi là “ăn nác (nước) lợ”!
           Thời gian trôi đi, trang lứa chúng tôi dần lớn lên, người thoát ly làng quê theo nghiệp, cũng nhiều người vẫn gắn bó với đồng ruộng quê hương trong đó có tôi, nối nghiệp cha ông làm ruộng. Nhà nông cũng chuyển mình theo dòng thời đại, nông nghiệp tiếp cận với khoa học kỷ thuật tân tiến, rồi theo tiến trình đổi mới do Đảng ta khởi xướng, Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Nông nghiệp, Nông thôn, cánh đồng được cải tạo, thủy lợi chỉnh chu, khoanh vùng, khoanh ô, chủ động tưới tiêu, cơ giới hóa khâu làm đất, cũng như cơ giới hóa thu hoạch và nhiều khâu khác trong sản xuất nông nghiệp. Thay đổi phương thức sản xuất, ngày trước gieo mạ, nhổ mạ cấy lúa, nay toàn bộ diện tích gieo thẳng. Không còn cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, không còn cảnh 2 con trâu kéo một cái cày. Không còn trẻ mục đồng như chúng tôi ngày trước, mà nay các chủ hộ nuôi trâu để sinh lời, chăn trâu ngày nay là những người nông dân đứng tuổi, còn như lứa tuổi chúng tôi ngày trước thì ngày nay là theo học cả ngày, giờ rảnh rỗi là vào vi tính, hoặc điện thoại thông minh.
            Nhìn những đổi thay trong phương thức sản xuất nông nghiệp, đời sống nhà nông nay no đủ dồi dào. Nhà cửa khang trang, cảnh làng thay đổi theo tiến trình xây dựng Nông thôn mới, lòng vui sướng tự hào.
            Nhưng dẫu sao, những kỷ niệm của thời đang là trẻ trâu, hình ảnh lam lũ của bố mẹ, của nhà nông quê tôi còn mãi trong ký ức tôi./.
                                                                         Nhật Nam