ĐẶC SẮC LỄ HỘI DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA HOẰNG PHÚC

Cập nhật 21/02/2024 08:52

Cứ mỗi dịp xuân về, người dân khắp nơi lại náo nức đến chùa Hoằng Phúc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy), ngôi chùa cổ nhất miền Trung để trẩy hội. Đây là lần thứ 5 lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc được tổ chức và đã mang đến cho du khách những ấn tượng tốt đẹp.

             Chùa Hoằng Phúc được xây dựng cách đây hơn 700 năm. Theo các tài liệu ghi lại, năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến thăm chùa, cầu phúc đức cho nhân dân. Lúc đó, chùa có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt lại tên chùa là Kính Thiên. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần đã ghé lại chùa và đổi tên thành Hoằng Phúc tự. Chùa toạ lạc tại một vùng đất cao ráo gần 10.000 m2, nằm phía hữu ngạn sông Kiến Giang, thuộc địa phận xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Trải qua nhiều tác động của thời gian cùng chiến tranh, thiên tai, chùa bị tàn phá, hư hại. Cuối năm 2014, chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên trạng chùa cũ theo lối chùa cổ thời nhà Trần và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia.

     

            Kiến trúc của chùa Hoằng Phúc Quảng Bình ngày nay được phân lớp khá rõ ràng. Nhìn từ xa là cổng Tam quan ngoại, Tam quân nội nằm sau cây cầu bắc qua hồ nước. Tại chùa có tòa Tam Bảo khá nổi tiếng, ở bên trong có gian thờ Phật được đặt ở vị trí trung tâm. Sau tòa thờ này chính là nhà thờ Tổ.
            Ngôi chùa có kiến trúc cổ của thời nhà Trần bao gồm: Tháp phật, tam bảo chùa, tam quan ngoại, tam quan nội. Hiện nay, chùa Hoằng Phúc vẫn giữ trong mình vẻ đẹp cổ điển mà ít ngôi chùa có thể có được. Trong chùa có nhiều hiện vật như Địa tạng Vương Bồ Tát, tượng Phật bà Quan thế âm Bồ Tát. Đặc biệt ấn tượng với du khách còn có đại hồng chuông với chiều cao 1,15m, đường kính chuông lên tới 0,57m, chu vi rộng 1,45 m. Hay Giếng nước cổ (giếng Phật) ở phía mặt tiền với chiều rộng hơn 3m, xây bằng gạch đá ong đơn sơ nhưng độc đáo vô cùng…Sau khi khánh hạ, chùa Hoằng Phúc trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo phật tử và du khách. Nhiều hoạt động phật sự được tổ chức thường niên như các lớp học đạo đức và kỹ năng sống cho một bộ phận người dân, phật tử, tạo nên những nét văn hóa mới trong đối nhân xử thế.

      
Những giá trị hướng thiện không chỉ phát huy tác dụng trong hàng ngũ tín đồ mà còn ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống nhân dân, góp phần hình thành nên những quan niệm sống giàu tính nhân văn. Ngôi chùa này cũng là điểm đến tâm linh của các du khách khi đến với Lệ Thủy. Những năm gần đây, UBND huyện Lệ Thuỷ thường xuyên tổ chức Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc nhằm duy trì và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần của người dân địa phương, đồng thời tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách đến với huyện Lệ Thủy  nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung. Điểm nhấn của Lễ hội là Nghi Lễ xin nước tại Vực An Sinh xã Trường Thủy được tiến hành vào 0 giờ 00 phút đêm ngày 14 đến sáng sớm ngày 15 tháng Giêng, trước đó là Lễ cầu quốc thái dân an và Lễ Khai ấn Chùa Hoằng Phúc- Phát lộc.

       
Di tích lịch sử cấp Quốc gia Chùa Hoằng Phúc là điểm đến của đông đảo du khách trong những năm gần đây
 
           Trong năm 2024, Lễ hội dự kiến được tổ chức vào các ngày 23- 24/2 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với 2 phần. Phần lễ gồm các nghi lễ theo nghi thức Phật giáo, lễ rước nước, khai mạc lễ hội, lễ thả cá phóng sinh. Và phần hội, gồm các chương trình hấp dẫn như biểu diễn văn nghệ; hoạt động “Hành trình về nguồn” tại các điểm di tích lịch sử Văn hóa trên địa bàn: Thăm Nhà truyền thống – Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Chùa An Xá – Miếu Thần Hoàng – Chùa Hoằng Phúc; thi đấu thể thao; tổ chức trò chơi dân gian (hội bài chòi); các hoạt động quảng bá du lịch Lệ Thủy và trưng bày các gian hàng sản phẩm OCOP...
            Việc tổ chức Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc góp phân nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện; đồng thời tiếp tục đầu tư, tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử, văn hóa, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Nằm trong chuối các hoạt động của Lễ hội, rất nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa đặc sắc được diễn ra như thi đấu cờ tướng, nhảy bao bố, và thi đấu biểu diễn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam. Các môn thi đấu này sẽ được tổ chức trong vòng 2 ngày 23-24/2 (tức ngày 14 và 15 tháng giêng năm Giáp Thìn). Trong đó, môn thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam được dự báo sẽ thu hút đông đảo du khách quan tâm theo dõi khi quy tụ nhiều câu lạc bộ, đội tuyển mạnh trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ tham gia tranh tài. Trong số đó, có nhiều VĐV đã từng đạt các thành tích cao tại các giải đấu khu vực trong và ngoài tỉnh tham dự.
             Với những hoạt động văn hóa, truyền thống, tâm linh đầy ý nghĩa, Lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc chắc chắn sẽ là ngày hội văn hoá hết sức ý nghĩa với người dân địa phương và du khách gần xa đến tham quan chùa Hoằng Phúc và huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình trong dịp Xuân Giáp Thìn này.
 Hồng Mến
Trung tâm VH-TT&TT Lệ Thủy